Theo đó, ngày 23/4, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng chủ trì Hội nghị trực tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Sau khi nghe các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh báo cáo và đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhận định: Kiên Giang là một trong số ít tỉnh thành trên cả nước chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm Covid-19, tuy nhiên không vì thế mà người dân được phép lơ là với dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh cùng lãnh đạo các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các Bộ, ngành Trung ương; thống nhất nhận thức, hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào tỉnh tại các cửa khẩu, tiếp tục chốt chặn và kiểm soát nghiêm ngặt tại các cửa khẩu, toàn bộ tuyến biên giới trên bộ, trên biển đến khi có thông báo mới.
Ông Phạm Vũ Hồng cũng yêu cầu mọi người dân nên ở tại nhà và chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, đặc biệt là những người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc suy yếu hệ miễn dịch; tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình, cộng đồng xã hội đồng thời có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Cùng với đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng chỉ định Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời đảm bảo điều kiện an toàn nhất cho học sinh và giáo viên (như thực hiện khử trùng, sát khuẩn trường lớp; đo thân nhiệt, rửa tay, đeo khẩu trang…) trong ngày đi học trở lại.
Kể từ ngày 27/4, các em học sinh, sinh viên (từ khối trung học phổ thông trở lên) trên địa bàn tỉnh sẽ chính thức đi học trở lại; riêng cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và các trường ngoại ngữ - tin học ngoài công lập cũng sẽ bắt đầu học vào ngày 4/5.
|
Kiên Giang tiếp tục tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí tại các địa điểm công cộng đến hết ngày 05/5/2020. |
Thời gian tới tỉnh Kiên Giang cũng sẽ tiếp tục tạm dừng đối với các lễ, hội, nghi lễ tôn giáo; các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, đón khách tham quan, du lịch tại các di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh mà có tập trung từ 20 người trở lên; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ như: Quán bar, karaoke, vũ trường, xông hơi và massage, rạp chiếu phim; sân bóng đá, các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mĩ… cho đến hết ngày 05/5/2020.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cũng quyết định giao Sở Giao thông vận tải đảm bảo hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn được thực hiện một cách có hiệu quả và theo đúng hướng dẫn của ngành Giao thông vận tải cùng ngành Y tế. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải cũng cần cân nhắc kỹ việc mở các tuyến liên tỉnh đến các tỉnh/thành phố có nguy cơ và các khu vực có dịch;
Đồng thời, Sở Y tế đảm bảo năng lực điều trị, kiểm soát chặt chẽ về công tác đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch tại các cơ sở khám bệnh và điều trị theo quy định; tiếp tục tập trung thực hiện đảm bảo năng lực xét nghiệm nhằm sớm phát hiện, cách ly, điều trị có hiệu quả các đối tượng nghi ngờ và có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…, các cơ sở dịch vụ thông tin truyền thông, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thuộc trường hợp bị tạm dừng hoạt động thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của người lao động; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Ngoài ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành có liên quan trong việc ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, tránh xảy ra tình trạng xác định sai đối tượng, trục lợi từ chính sách.
Sở Thông tin và truyền thông phải phối hợp với đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nhất là tuyên truyền lưu động tại các điểm dân cư và khu vực tập trung đông người để người dân cùng hiểu, cùng tham gia với chính quyền trong việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, toàn tỉnh cũng đã chuẩn bị đầy đủ, kịp thời về năng lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế phục vụ kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây là những điều kiện cần và đủ để tỉnh Kiên Giang mở dần cách ly xã hội, mở dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại thiết yếu, cần thiết trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.