Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, hiện tại chúng ta có đầy đủ điều kiện để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện hiện nay vẫn còn thấp so với tiềm năng. Cụ thể, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, tính đến 30/9/2018, cả nước ta mới có 189.502 người tham gia, đạt 57,2% kế hoạch được giao.
“Điều này cho thấy, chúng ta chưa thực sự nỗ lực hết mình trong việc vận động người dân” - Phó Tổng Giám đốc nhận định: - “Nói phải đi đôi với làm, hiện chúng ta mới có những báo cáo còn chung chung. Đến nay có tới 48 địa phương giảm đối tượng so với năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu là do một số đối tượng tham gia nghỉ hưởng chế độ BHXH hoặc chuyển đối tượng theo quy định; người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách, thu nhập còn thấp và không ổn định, nhiều người chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già, chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý thu”.
Song, với kinh nghiệm của một số địa phương làm tốt như Điện Biên, Quảng Bình, Cao Bằng, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình, Phú Yên…, Phó Tổng Giám đốc tin tưởng rằng, công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ phát triển xứng đáng với tiềm năng.
Đại lý thu – “cầu nối” quan trọng giữa cơ quan BHXH với người dân
Phát biểu tại hội thảo, đa số ý kiến cho rằng, những địa phương thực hiện tốt công tác phát triển BHXH tự nguyện đều nhận được sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, cũng như sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên đại lý thu, cộng tác viên ở cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, thuyết phục và vận động nhân dân tham gia vào chính sách này.
Theo đại diện Bưu điện tỉnh Phú Yên, để phát triển BHXH tự nguyện hiệu quả, thời gian qua, Bưu điện tỉnh Phú Yên đã chọn giải pháp chủ yếu là tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động trực tiếp tại các thôn, xóm, xã, phường, hướng đến những người trong độ tuổi lao động và có thu nhập ổn định. Sau đó, nhân viên Bưu điện ở các đại lý sẽ cùng đại diện hội, đoàn thể đến từng nhà người dân để tư vấn về tính ưu việt của chính sách... Tại các hội nghị tuyên truyền, các tuyên truyền viên phải nói với người dân bằng sự chân thành, nhất là phải nhấn mạnh tính ưu việt, nhân văn sâu sắc của chính sách để người dân hiểu về mục tiêu an sinh bền vững…
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, bà Nguyễn Thị Xuân - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk - cho biết, đặc thù của địa phương này có tới 34% dân số là người dân tộc thiểu số. Do vậy, ngoài giao chỉ tiêu cụ thể, cơ quan BHXH còn yêu cầu đội ngũ tuyên truyền viên phải luôn “bám làng, bám dân” thông qua các già làng, trưởng bản, gặp trực tiếp những đối tượng tiềm năng để tư vấn, nên đã dần dần tạo được niềm tin cho người dân. “Với cách làm trên, đến hết năm 2018, BHXH tỉnh Đắk Lắk tin tưởng sẽ có khoảng 1.500 người tham gia BHXH tự nguyện”- bà Xuân khẳng định.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường mở rộng, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý thu; tập trung đào tạo đội ngũ cộng tác viên ngoài ngành; lựa chọn, xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, niêm yết công khai tên, địa điểm, số điện thoại đại lý thu, nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho từng đại lý thu cũng như đánh giá, khen thưởng kịp thời. Ngoài ra, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng yêu cầu, từ nay đến trước ngày 15/1/2019, BHXH các tỉnh, thành phố phải hoàn thiện chi tiết Đề án phát triển BHXH tự nguyện để gửi về BHXH Việt Nam.