Kinh tế - Xã hội 5 năm 2011-2015: Đạt và vượt hơn 60% chỉ tiêu phát triển

(PLO) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính  phủ, sáng qua (21/3), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020.
Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Nâng cao quy mô và tiềm lực của đất nước 

Theo Báo cáo của Chính phủ  đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, có 5 chỉ tiêu đạt cao hơn so với báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10: tốc độ tăng trưởng GDP, tổng vốn đầu tư xã hội, tỷ lệ nhập siêu, tốc độ tăng giá tiêu dùng, tạo việc làm và 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn, đó là: tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý.

“Cử tri và nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình biển Đông”.

(Trích Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII)

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, kết quả nổi bật là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

Trong 5 năm qua, quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát giảm từ 11,75% năm 2010 xuống còn 0,6% năm 2015, chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến tích cực. Giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển.

An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người từ 1.168 USD năm 2010 lên 2.109 USD năm 2015.

Chính trị - xã hội ổn định; công tác quốc phòng, an ninh luôn được tăng cường, nhất là trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được. Có 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. 

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước

Trong 5 năm tới, Chính phủ dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, đặc biệt là trên biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường...

Do đó, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát cho kế hoạch 5 năm tới là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Đồng thời, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế; giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước; nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm… 

Sáng qua (21/3), Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đã được long trọng khai mạc tại Hà Nội. Theo chương trình chính thức vừa được thông qua tại phiên họp trù bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, sáng qua (21/3), từ ngày 30/3 đến 12/4, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước đối với các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số chức danh khác thuộc Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Hội đồng Quốc phòng-An ninh,

Trước khi bầu nhân sự mới cho các chức danh, Quốc hội sẽ thảo luận, miễn nhiệm đối với các nhân sự đang đảm nhiệm các chức danh này. Theo quy định mới nhất của Nội quy kỳ họp Quốc hội, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TANDTC sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp./.

Đọc thêm