6 ngành hàng được quảng bá miễn phí tại thị trường Bắc Âu

(PLVN) - Trang web tiếng Anh của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và Bắc Âu có tên https://en.vietnordic.com vừa được khai trương, nhằm quảng bá miễn phí cho doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Theo bà Nguyễn Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và Bắc Âu, trang web sẽ có mục đích chủ yếu là thông tin cho các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu về môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam, những cơ hội do EVFTA mang lại; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Việt Nam sắp xếp theo ngành hàng để doanh nghiệp Bắc Âu dễ dàng tra cứu. Bên cạnh đó, trang web sẽ là nơi quảng bá hoàn toàn miễn phí cho doanh nghiệp và sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.

“Trước mắt, trang web tập trung quảng bá cho 6 ngành hàng là trái cây, thủy sản, gạo, cà phê, dệt may và da giày, những ngành hàng được hưởng lợi nhiều từ EVFTA. Trong tương lai sẽ mở rộng sang các mặt hàng khác”, bà Nguyễn Hoàng Thúy cho biết.

Về lâu dài, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển và Bắc Âu muốn phát triển trang web thành nơi giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam và khu vực Bắc Âu. Để chuẩn bị cho mục tiêu này, Thương vụ đang lên kế hoạch xây dựng catalogue điện tử, triển lãm ảo, bản tin tiếng Anh hằng tháng, cập nhật tình hình môi trường đầu tư, cơ chế chính sách của Việt Nam...

Ông Phan Đăng Đương - Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển - cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương bị xáo trộn, đứt gãy, việc sử dụng công nghệ thông tin để kết nối các doanh nghiệp trong nước với thị trường tiềm năng này có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất tại khu vực Bắc Âu trong số các nước ASEAN. Kim ngạch thương mại 2 chiều tăng cao, ngay cả trong thời gian dịch bệnh. Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu nhận định, trong thời gian tới, các nước Bắc Âu tiếp tục tập trung nguồn lực để phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ dự kiến tăng mạnh. Dự báo, hàng hóa xuất, nhập khẩu trung bình năm 2021 của các nước Bắc Âu sẽ tăng khoảng 5%, riêng Iceland tăng khoảng 17%”.

Đọc thêm