Chỉ thu 2000đ/bài hát, tại sao RIAV vẫn bị phản đối?

(PLO) - Trong những ngày qua, dư luận xôn xao việc  Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV-Recording Industry Association Vietnam) sẽ thu tiền  bản quyền ghi âm trên một đầu máy karaoke của tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ này trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chỉ với mức 2.000đồng/bài/năm/1 đầu máy karaoke, vậy tại sao đề nghị này vẫn bị phản đối?
Chỉ thu 2000đ/bài hát, tại sao RIAV vẫn bị phản đối?

Việc thực thi quyền Sở Hữu Trí Tuệ (SHTT)  trong karaoke, kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa giải quyết triệt để vì liên quan đến người tiêu dùng và nhà sản xuất. Các bên liên quan một người một ý kiến, lý lẽ khác nhau, dẫn đến việc thực thi phức tạp, thiếu hiệu quả vì sao?

10 năm vẫn loay hoay chuyện tác quyền

Việt Nam hiện có 3 tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả âm nhạc: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC- do nhạc sỹ Phó Đức Phương làm Giám đốc); Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt nam (RIAV- do ông Trần Chiến Thắng nguyên thứ trưởng Bộ VH TT DL làm Chủ tịch). Hội Bảo vệ Quyền nghệ sĩ Biểu diễn Âm nhạc Việt Nam (APPA-do Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Hoa làm Chủ tịch). 

Theo lập luận của 3 tổ chức trên, thì người dân Việt Nam đang có thói quen “xài chùa”, ăn cắp tài sản của nhạc sỹ, ca sĩ, nhà sản xuất, nhiều nơi đã và đang trục lợi, thu lợi bất chính. Nhưng sự thực có phải vậy hay không? Và vì sao dư luận phản ứng quyết liệt trước động thái buộc cơ sở chủ kinh doanh karaoke nộp 2.000 đồng/bài /năm/ 1 đầu karaoke. 

Trước đây, RIAV cho rằng các nhà sản xuất đầu máy karaoke phải nộp tiền sử dụng bản quyền cho RIAV. Đỉnh điểm của cáo buộc này là tại buổi “Tập huấn phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan” tại TP.HCM ngày 15/5/2015, đã nổ ra “cuộc chiến” tranh giành quyền tác giả và quyền liên quan.

Tại buổi tập huấn, các nhà sản xuất máy karaoke phản ứng quyết liệt vì RIAV mập mờ, không minh bạch trong việc công bố danh mục sản phẩm mình có quyền sở hữu, cụ thể là các bản ghi karaoke, giá cả, phương thức thu ... do đó RIAV đã không thực hiện được mong muốn duy ý chí của mình.

Trong nội bộ RIAV cũng không minh bạch các khoản thu, chi, phân chia lại cho hội viên, khiến một số hội viên chia tay với tổ chức này. Có lúc RIAV đã đứng bên bờ vực tan rã. 

Không thực hiện được ý đồ “ăn vạ” với các nhà sản xuất máy karaoke. RIAV lại âm mưu đưa ra một kế sách mới để “bóp cổ” các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cũng với lập luận kêu gào: RIAV đang bị xâm hại quyền và lợi ích vì thói quen “xài chùa” ngươi dân Việt Nam bấy lâu nay.

Nhưng sự thực có phải tất cả đều “xài chùa” như RIAV cáo buộc hay không? Một chủ hệ thống karaoke lớn tại Tp HCM nói: “Khoảng 10 năm nay, người dân và nhất là những cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đã có bước chuyển biến rất tích cực, nhận thức được vấn đề bản quyền và họ sẵn sàng trả tiền sử dụng nếu có cách tính minh bạch, thoả thuận hợp lý”.

Minh chứng, vị này trích báo cáo năm 2016 của VCPMC tiền bản quyền thu được gần 73 tỷ đồng (đã trừ thuế), tăng hàng chục lần so với 10 năm trước đây, trong đó thu từ karaoke là ổn định.

Còn RIAV thì sao: sau gần 10 năm thành lập vẫn cứ loay hoay với những toan tính “ăn xổi” với bao vụ việc tai tiếng từ bên trong ra đến ngoài, họ chỉ biết kêu gào, dựa dẫm chứ không đưa ra được quyết sách nào khả thi để đại diện bảo vệ lợi ích cho hôi viên và cộng đồng, nên ngày càng teo tóp là điều dễ hiểu. 

RIAV ra giá và phản ứng của xã hội

Vì sao dư luận phản ứng gay gắt ý định thu 2.000 đồng của RIAV? Theo lý giải của bà Trương Thị Thu Dung-Phó Chủ tịch RIAV: đã nghiên cứu rất kỹ để đưa ra mức thu với mức giá 2.000 đồng/bài/1 đầu máy/năm theo cách tính như sau: Một giờ hát karaoke được chủ cơ sở kinh doanh thu là 150.000 đồng (trong khi giá thực tế tăng hơn rất nhiều). Và trong một tiếng đó, hát cỡ trung bình 10 bài và giá tiền 15.000 đồng/bài. Trung tâm sẽ thu về mỗi bài là 5% tiền quyền liên quan, tức vào khoảng 750 đồng/bài. Mỗi năm, một bài hát đó Trung tâm sẽ tính hát đi hát lại 3 lần và 750 nhân 3 là 2.200 đồng...”.

2.000 đồng thì rất nhỏ, nhưng trong một đầu máy karaoke có từ 30.000 đến 40.000 bài hát, một cơ sở kinh doanh karaoke có 10 đầu máy thì số tiền không nhỏ tý nào!

Dư luận phản ứng quyết liệt 2.000 đồng của RIAV vì những lý do sau: Cơ sở để bà Dung đưa ra cách tính nêu trên là không đúng với thực tế bởi tính chất cào bằng của nó.

Trong 30-40 ngàn bài hát/đầu máy karaoke thực tế không bao giờ hát hết, huống hồ nhân 3 lần. Thứ hai là cách thu dựa trên tổng số bài hát hiện có trong đầu karaoke là khiên cưỡng ép buộc vì có những bài hát không bao giờ mang ra sử dụng mà buộc chủ cơ sở kinh doanh trả tiền là trái với nguyên tắc có sử dụng mới đóng tiền quyền liên quan.

Ba là, RIAV phải công bố công khai danh mục bài karaoke mình sở hữu, phải có hợp đồng ủy quyền của chủ sở hữu bản ghi và có file (clip) cụ thể để đối chiếu với bản ghi có trong từng máy có đúng của RIAV hay không?

Cuối cùng, cứ cho rằng RIAV có quyền với khoảng 4.000 bài karaoke, thì RIAV chỉ được quyền thu 4.000 bài, số còn lại ai thu? Giá bao nhiêu? Thời gian thu?

Rất nhiều ý kiến khác phản đối những gì RIAV đưa ra, nhưng đa số giới kinh doanh dịch vụ karaoke sẵn sàng hợp tác trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhưng với một thỉnh cầu: Cơ quan quản lý nhà nước cần có một lộ trình tuân thủ pháp luật, một tổ chức đại diện thống nhất, minh bạch trong việc đàm phán mức thu tiền bản quyền. Không để mập mờ, chồng chéo khuất tất tạo kẽ hở cho những cá nhân, tổ chức lợi dụng để hạch sách, hăm dọa, trục lợi và ngăn cản việc kinh doanh hợp pháp của người dân.

(Còn tiếp)

Đọc thêm