Cộng đồng ASEAN gấp rút trước vận hội mới 2015

(PLO) - Trải qua gần 5 thập kỷ phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang hướng tới một dấu mốc mới, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Đó là việc chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, dấu mốc được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều thay đổi lớn lao cho cả khu vực và thế giới.

Các nước ASEAN hiện đẩy mạnh chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm. Ảnh minh họa.
Các nước ASEAN hiện đẩy mạnh chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào cuối năm. Ảnh minh họa.
Cộng đồng ASEAN được kỳ vọng sẽ mang đến một sức sống mới cho toàn bộ khu vực, một cộng đồng vì lợi ích của hơn 600 triệu dân ASEAN và khu vực. ASEAN khi đó sẽ là một Cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội”, dựa trên ba trụ cột vững chắc là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế, và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, đồng thời tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm và đóng góp tích cực của mình cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.
Trong Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, hợp tác chính trị nội khối ASEAN sẽ nâng tầm với việc các nước thành viên đẩy mạnh trao đổi thông tin, chia sẻ và nâng cao hiểu biết về hệ thống chính trị, các giá trị lịch sử, văn hóa của nhau. Cộng đồng Chính trị - An ninh mà ASEAN đang xây dựng khi hình thành được kỳ vọng sẽ là một khu vực gắn kết, hòa bình, tự cường với trách nhiệm chung về an ninh toàn diện. 
Để thành lập được Cộng đồng Chính trị - An ninh vào cuối năm, các nước ASEAN hiện đang tập trung đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột qua các hoạt động cụ thể trên nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)…, đề cao và phát huy vai trò của các khuôn khổ và chuẩn mực ứng xử do ASEAN khởi xướng ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC)… trong việc củng cố môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Cộng đồng Kinh tế là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu được đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020. Cộng đồng này bao gồm 4 thành tố chính: Một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập kinh tế toàn cầu. 
Cộng đồng Kinh tế ASEAN khi được thành lập được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều cơ hội to lớn cho các nước thành viên khi được phát huy hết khả năng nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ của 625 triệu người, các quy định được đơn giản hóa hơn, việc tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, lượng lao động có tay nghề cao hơn… 
Để hướng tới mục tiêu này, hiện các nước ASEAN đều đang tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp như dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan, thuận lợi hóa thương mại, đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA)… nhằm đảm bảo tự do hóa thương mại hàng hóa, tự do hóa dịch vụ, tự do hóa đầu tư, tăng cường tính cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của ASEAN khi Cộng đồng Kinh tế được thành lập.
Việc chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN cũng đang gấp rút được các nước thành viên trong khối thực hiện để đảm bảo cho sự hình thành đúng tiến độ của một cộng đồng nơi có nền văn hóa phong phú, các phúc lợi xã hội, các chính sách và kế hoạch bảo hộ của người dân các nước thành viên được cải thiện, tỉ lệ biết chữ và tuổi thọ của người dân cao hơn, công bằng xã hội được đảm bảo hơn… 
Cho đến nay, tất cả các nước thành viên ASEAN về cơ bản đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN, nỗ lực triển khai các biện pháp nâng cao nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp các cam kết trong ASEAN… 
Bên cạnh đó, nhận thức được những thách thức đi kèm với cơ hội to lớn mà Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại, các thành viên ASEAN cũng triển khai nhiều biện pháp cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng nước để có thể phát huy được thế mạnh của mình một khi hòa mình vào Cộng đồng lớn hơn. 
Ví dụ, Singapore đề cao vai trò của trung tâm nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, Mianmar và Philippines chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thái Lan trong khi đó vẫn đang đẩy mạnh cải cách hệ thống hạ tầng cơ sở dịch vụ, thương mại và đầu tư, thực hiện hiệu quả chương trình “Một Cử sổ quốc gia”, “Một Cửa sổ ASEAN”, phát triển mạng lưới an sinh xã hội…  
Tất cả những sự chuẩn bị này hứa hẹn sẽ đảm bảo Cộng đồng ASEAN sẽ ra đời vào  đúng thời hạn, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả khối nói chung và từng nước nói riêng cũng như góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng toàn cầu./.

Đọc thêm