Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Trưởng BCĐ quyết toán Dự án BOT

(PLO) -Ban này có nhiệm vụ chỉ đạo các nhà đầu tư, doanh nghiệp Dự án BOT, các PMU thuộc Bộ GTVT thực hiện công tác quyết toán các Dự án BOT hoàn thành đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. 

Bộ GTVT cho biết, vừa ban Quyết định số 1859/QĐ-BGTVT về việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác quyết toán Dự án BOT hoàn thành do Bộ GTVT quản lý.

Theo đó, Ban Chỉ đạo này do ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT làm Trưởng ban; ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính làm Phó Trưởng Ban Thường trực; các ông Nguyễn Danh Huy - Trưởng Ban Quản lý các dự án đối tác công - tư (PPP), Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ và Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm Phó Trưởng Ban.

Các Thành viên của Ban Chỉ đạo này gồm Tổng giám đốc các Ban Quản lý dự án (PMU) 1, 2, 6, 7, 85, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, An toàn giao thông; Giám đốc các PMU 4, 5, 8.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Ban Chỉ đạo này có nhiệm vụ chỉ đạo các nhà đầu tư, doanh nghiệp Dự án BOT, các PMU thực hiện công tác quyết toán Dự án BOT hoàn thành đảm bảo tiến độ theo kế hoạch Bộ GTVT giao.

Thứ trưởng Trường sẽ thực hiện nhiệm vụ mà dư luận đang rất quan tâm đó là tính minh bạch tại các Dự án BOT.
Thứ trưởng Trường sẽ thực hiện nhiệm vụ mà dư luận đang rất quan tâm đó là tính minh bạch tại các Dự án BOT.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan của Bộ GTVT kịp thời xử lý, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác quyết toán Dự án BOT hoàn thành; đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong công tác quyết toán Dự án BOT hoàn thành... 

Theo quy định của pháp luật về xây dựng, thì chủ đầu tư có thẩm quyền phê duyệt thiết kế và dự toán dự án. Trên thực tiễn, quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng trong điều kiện Việt Nam, năng lực các nhà đầu tư chưa cao nên đây có thể là kẽ hở để dẫn đến sai phạm

Trước đó, Bộ GTVT đã từng thành lập các tổ rà soát thiết kế, dự toán do các Thứ trưởng Bộ này chủ trì. Qua đó, đã phát hiện nhiều tồn tại về giải pháp thiết kế, về dự toán và yêu cầu nhà đầu tư phải điều chỉnh nhiều giải pháp kỹ thuật để giảm kinh phí.

Dự án BOT QL 1 đoạn nam tỉnh Quảng Bình do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư gần 1.000 tỷ đồng
Dự án BOT QL 1 đoạn nam tỉnh Quảng Bình do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư gần 1.000 tỷ đồng

Cùng với việc quản lý chặt chẽ và đặc biệt nhờ chính sách điều hành kinh tế phù hợp, lãi suất giảm, chỉ số CPI thấp nên nhiều dự án không phải sử dụng chi phí dự phòng về khối lượng và trượt giá, giảm chi phí lãi vay.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Cụ thể, đến thời điểm này đã hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác 26 dự án với tổng mức đầu tư 74.806 tỷ đồng; đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư 111.854 tỷ đồng. 

Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật,  trong thời gian tới đây, để tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát đối với các dự án này, Bộ GTVT sẽ đưa vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử công bố thông tin chi tiết về các dự án PPP (thông tin về dự án, tổng vốn đầu tư, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện, mức phí, thời gian thu phí...).

Đọc thêm