Kỳ lạ “nghĩa trang vui vẻ”

(PLVN) - Ẩn mình trong thung lũng sâu, nghĩa trang Merry thuộc thị trấn nhỏ bé Sapanta, ở phía Bắc Romania. Trong nhiều năm trở lại đây, nghĩa trang là điểm nổi tiếng thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Mọi người tới đây chủ yếu vì tò mò về  “nghĩa trang vui vẻ”, đồng thời cũng muốn chiêm ngưỡng hơn 800 cây thánh giá làm bằng gỗ sồi được trang trí sặc sỡ. 
“Nghĩa trang vui vẻ” Merry
“Nghĩa trang vui vẻ” Merry

Ý tưởng độc đáo

Mỗi cây thánh giá gỗ sồi ở nghĩa trang này cao 5 feet (khoảng 1,5m) với chiếc mái nhỏ phía trên. Phần thân được vẽ lên hình ảnh khắc họa cuộc sống của người đã khuất: Đó có thể là hình ảnh cô gái 12 tuổi làm việc bên khung cửi, người đàn ông lái một chiếc máy kéo, người phụ nữ đang dệt tấm thảm, một giáo viên đang ngồi tại bàn chấm điểm cho học sinh... 

Trên các tấm bia, thay vì ghi tên tuổi, quê quán của người quá cố, người dân ở đây đã vẽ những bức tranh hài hước, giọng điệu vui vẻ, hóm hỉnh hay những bài thơ, bài hát trữ tình đầy thơ mộng, thậm chí là trêu đùa và viết ra những tật xấu hay bí mật lúc người đó còn sống.… 

Trong khi nhiều nền văn hóa coi việc pha trò về người chết là sự bất kính, nhưng cách trêu chọc hài hước này lại là hiện tượng rất bình thường ở làng Sapanta, bắt nguồn từ văn hóa truyền thống. Dân làng tin rằng, thay vì tiếng khóc thống khổ, linh hồn người đã khuất muốn được nhìn thấy những khuôn mặt tươi vui, hạnh phúc. 

Người nghĩ ra ý tưởng độc đáo này là một thợ mộc tên Stan Ioan Patras, sinh ra ở Sapanta vào năm 1908. Khi mới 14 tuổi, ông đã bắt đầu làm nghề chạm khắc chữ bia mộ cho nghĩa trang địa phương. Và “nghĩa trang vui vẻ” này được bắt đầu xây dựng từ năm 1935.

Ban đầu, ông cũng chỉ liệt kê tên, tuổi và nghề nghiệp của người quá cố. Sau một lần nảy ra ý tưởng, ông đã trang trí những ngôi mộ bằng những màu sắc tươi mới và khắc những bài thơ hài hước lên các tấm bia. 

Stan Ioan Patra đã khắc được hơn 800 ngôi mộ từ năm 1935 cho đến lúc ông qua đời vào năm 1977 và biến nơi đây thành một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời. Khu nghĩa trang được xây dựng nên chỉ với một lý do duy nhất, đó là mang lại tiếng cười và những kỷ niệm cho người thăm viếng chứ không vì mục đích thu lợi nhuận. Ý tưởng hoàn toàn được người dân địa phương ủng hộ.

Khu nghĩa trang sử dụng rất nhiều sắc màu tươi sáng và mỗi màu sắc có ý nghĩa riêng, tô điểm cho cây Thánh giá: màu xanh nước biển biểu thị cho niềm hy vọng và sự tự do, trong khi màu vàng tượng trưng cho khả năng sinh sôi nảy nở, màu đỏ là của niềm đam mê, màu xanh lá cho cuộc sống tươi đẹp và màu đen miêu tả cho cái chết bất ngờ…

Ngoài ra một số biểu tượng khác như: chim bồ câu trắng thể hiện linh hồn trong sáng người đã khuất, con chim đen đại diện cho một cái chết bi thảm. 

Triết lý “cười vào cái chết”

Sau khi qua đời, ông đã truyền nghề lại cho đệ tử của mình là ông Dumitru Pop tiếp tục làm công việc cho đến nay. Giờ đây, khi một người trong làng qua đời, gia đình họ sẽ đến tìm Dumitru và nhờ ông trang trí thánh giá, bia mộ. Ông Dumitru nói rằng, mỗi năm ông tạo ra khoảng 20 đến 30 cây thánh giá. Mỗi thánh giá như vậy có giá từ 520 USD-1300 USD tùy loại và có thể mất vài tuần mới có thể hoàn thành.

Ông Dumitru là người được quyết định sẽ viết hay vẽ gì lên phần mộ của mỗi người chết. Mặc dù, các bài thơ có tính hài hước hay châm chọc nhưng chưa ai từng phàn nàn về công việc sáng tác này. “Nghĩa trang này không đơn thuần là nơi an nghỉ của những người đã khuất. Đây thực sự là nơi bạn có thể cười vào cái chết.

Những dòng chữ và hình ảnh được khắc trên bia mộ còn “nhắc nhở chúng ta về cuộc sống”. Nghĩa trang giống như một cuốn sách kể về cuộc sống và cái chết của mỗi người dân ở đây và tôi trở thành nghệ nhân kể chuyện và viết biên niên sử của làng”, nhà điêu khắc mộ Dumitru chia sẻ. 

Các bài thơ của ông thường rất hài hước, khiến không ít du khách khi ghé thăm phải bật cười. Một trong số đó là bài thơ viết về người đàn ông lúc còn sống rất thích uống rượu.

Lời tạm dịch bài thơ: “Đây là nơi tôi - Stefan an nghỉ/ Hồi còn sống tôi rất thích uống rượu/ Khi vợ bỏ đi, tôi đã uống vì buồn/ Sau đó tôi thấy càng uống nhiều, rượu càng làm tôi hạnh phúc/ Và tôi thấy cũng chẳng có gì là quá tệ, cái chuyện vợ tôi bỏ đi ấy mà/ Bởi vì tôi sẽ uống rượu cùng bạn bè của tôi/ Tôi uống nhiều lắm, và tôi vẫn khao khát/ Vì vậy, khi những ai đến thăm nơi an nghỉ của tôi, hãy để lại cho tôi một chút rượu nhé”.

Một câu chuyện khác viết về  sự phản bội của một người đàn ông cũng nghiện rượu: “Còn một điều mà tôi rất yêu/ Đó là đi tới quán rượu/ Ngồi cạnh vợ ai đó”. 

Tuy nhiên, không phải tấm bia mộ nào cũng hài hước, đôi khi vẫn có một số ít bia mộ nói về nỗi đau, sự giận dữ của những cái chết thương tâm do tai nạn, nhưng bằng cách thể hiện khéo léo người ta đã khiến cho những người đến viếng bớt đi sự đau đớn.

Cụ thể, có một tấm bia của một bé gái không may bị chết do tai nạn giao thông cũng được khắc những vần thơ như: “Hãy chết nhé, tên lái taxi khát máu/ Kẻ đến từ Sibiu/ Ngươi phải dừng tại đây/ Trước nhà ta vì đã đâm ta ra thảm kịch/ Và làm ta chết/ Để lại ba mẹ ta với nỗi u sầu”.

Người dân ở đây không còn coi cái chết của người thân là thảm kịch và chung tay xây dựng nghĩa trang nhằm xóa đi không khí ảm đạm xung quanh, thay hình ảnh nghiêm trang thành sự hài hước. Người ta tin rằng những người đã mất sẽ luôn ở trong tâm trí của những người yêu thương họ, họ mãi mãi là bất tử. Khi chết đi người ta sẽ chuyển đến một thế giới mới đầy niềm vui, với một cuộc sống nhiều điều tốt đẹp hơn và không có gì phải buồn sầu.

Chính vì sự đặc biệt này, nghĩa địa Merry được công nhận là một di sản văn hóa của UNESCO.

Đọc thêm