Kỳ lạ nơi quy định cấm phụ nữ đeo kính, phải đi giày cao gót nơi công sở

Kỳ lạ nơi quy định cấm phụ nữ đeo kính, phải đi giày cao gót nơi công sở

(PLVN) - Nếu như ở nhiều nước trên thế giới, việc ăn mặc thoải mái theo ý thích của mỗi người tại nơi làm việc là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, các quy định vô lý kiểu như: không được đeo kính, phải đi giày cao gót đến nơi làm việc ở Nhật không phải là chuyện hiếm thấy. Nhiều trường bắt buộc học sinh để tóc đen và tạo kiểu theo một số quy định cụ thể...


Những quy định “vô lý”

Nhật Bản đứng thứ 110 trong số 149 nước trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá về mức độ bình đẳng giới. Mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện nỗ lực tăng cường quyền lợi cho các nữ lao động ở nước này qua một chính sách có tên “phụ nữ kinh tế” nhưng Nhật Bản vẫn xếp cuối trong số các nước G7 về bình đẳng giới.

Nhật Bản có luật cấm phân biệt giới tính trong các giai đoạn làm việc nhất định như tuyển dụng, thăng chức, đào tạo và gia hạn hợp đồng, nhưng không đề cập tới quy định về trang phục.

Theo đó tại Nhật Bản, việc mang giày cao gót được cho là gần như bắt buộc khi đi xin việc hoặc làm việc tại các công ty. Theo báo chí Nhật Bản, một cuộc khảo sát cho thấy 70% phụ nữ làm việc ở Tokyo đi giày cao gót ít nhất 1 lần một tuần. Tuy nhiên, kỳ vọng của xã hội rằng phụ nữ nên đi giày cao gót thường xuyên hơn đang lan rộng trên cả nước.

Ảnh minh hoạ.
 Ảnh minh hoạ.

Trong năm 2017, khách sạn Hilton Osaka được cho là đã giảm giá cho khách hàng nữ dựa trên chiều cao của giày cao gót mà họ đi: giày cao hơn 5cm được giảm giá tối thiểu 10%; trong khi giày cao 15cm thì người đi giày sẽ được miễn phí 40% đồ uống.

Kaori, một nhân viên văn phòng 30 tuổi cho biết, mặc dù cô làm việc cho một tập đoàn du lịch Nhật Bản thoải mái hơn một chút, nhưng quy định về trang phục của công ty vẫn yêu cầu phụ nữ đi giày cao gót. “Nhân viên tại các cửa hàng bán lẻ và các vị trí tiếp xúc với khách hàng được yêu cầu mặc đồng phục hoặc trang phục công sở, bao gồm cả giày cao gót”, Kaori cho biết.

Thậm chí, phụ nữ phải đi giày cao gót tại nơi làm việc còn được chính phủ đồng tình. Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Takumi Nemoto khẳng định, việc phụ nữ đi giày cao gót đến công sở là cần thiết. “Việc đi giày cao gót đã được xã hội chấp nhận như một điều cần thiết và phù hợp về mặt nghề nghiệp”, ông Takumi Nemoto nói.

Không chỉ bắt buộc phải đi giày cao gót, nhiều công ty ở Nhật còn đề nghị phụ nữ không đeo kính tới chỗ làm, thay vào đó là đeo kính áp tròng. Được biết, ở Nhật có 4 công việc khác không đeo kính là: nữ tiếp viên tại các nhà hàng ẩm thực, tiếp viên hàng không, nhân viên kinh doanh mỹ phẩm và lễ tân.

Theo tìm hiểu của Nippon TV và Business Insider, các công ty trên nhiều lĩnh vực đều có cách giải thích khác nhau về việc cấm phụ nữ đeo kính như lý do an toàn với nhân viên của mình. Cụ thể, tiếp viên hàng không bị cấm đeo kính vì lý do an toàn, với hình minh họa kèm theo cho thấy một thành viên phi hành đoàn đang mò mẫm trên sàn máy bay. Cô tìm kiếm kính rơi của mình trong khi một hành khách đang cố gắng sơ tán.

Trong khi đó, lý do được đưa ra cho các nhân viên bán hàng trang điểm là việc đeo kính sẽ khiến khách hàng tiềm năng khó nhìn thấy tác dụng làm đẹp của mỹ phẩm từ công ty. Mặt khác, nhân viên lễ tân không được đeo kính vì họ dễ mang đến một ấn tượng lạnh lùng cho khách hàng. Một số chuỗi bán lẻ cho rằng những nhân viên đeo kính mang lại “cảm giác lạnh lùng” cho khách hàng.

Một phụ nữ làm việc tại nhà hàng tiết lộ trên trang mạng xã hội Twitter rằng cô không được đeo kính vì chủ cho rằng trông “thô lỗ” và không phù hợp với bộ kimono truyền thống mặc khi làm việc. Một nữ nhân viên tại một viện thẩm mỹ bị khô mắt sau nhiều giờ đeo kính áp tròng nhưng vẫn không được phép đeo kính tại nơi làm việc. Theo một số nhà hoạt động, nếu các quy định chỉ cấm phụ nữ đeo kính ở nơi làm việc thì đó là sự phân biệt đối xử.

Phản đối gay gắt

Theo đó, phong trào #KuToo bắt đầu từ tháng 1/2019 khi nữ diễn viên, nhà văn hành nghề tự do Yumi Ishikaw chia sẻ về việc cô phải đi giày cao gót tại nhà tang lễ mà cô làm thêm. Cô Ishikawa đã đứng hàng giờ với đôi giày cao gót màu đen trong công việc của một người phục vụ tại nhà tang lễ ở Tokyo. Cơn đau bắt nguồn từ đôi giày đã lan qua lưng, chân và bàn chân của cô ấy thật dữ dội.

Khi nhìn các đồng nghiệp nam đang đi những đôi giày màu đen, bằng phẳng, cô nghĩ “nếu phụ nữ được phép đi giày như vậy, công việc của chúng tôi sẽ bớt khó chịu hơn”. Cô đã đăng tải trên Twitter dòng suy nghĩ này. Bài viết của cô đã thu hút hơn 67.000 lượt thích và gần 30.000 lượt chia sẻ lại.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Sau đó, cô đã cùng các nhóm hoạt động vì phụ nữ nộp đơn kiến nghị lên Bộ Lao động Nhật Bản, kêu gọi chính phủ cấm các công ty ép phụ nữ phải đi giày cao gót đi làm. Những người này cho rằng, buộc phụ nữ đi giày cao gót là hành vi phân biệt đối xử, không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại. Hơn 21.000 người đã ký vào đơn thỉnh nguyện gửi chính phủ.

Phong trào #KuToo đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dùng mạng. “Đây là sự phân biệt đối xử về giới tính. Nó bắt nguồn từ quan điểm cho rằng bề ngoài quan trọng đối với phụ nữ tại nơi làm việc hơn là đàn ông”, cô Ishikawa phát biểu với hãng tin Associated Press.

Cô Ishikawa nhấn mạnh thêm: “Chúng ta cần phải hiểu rằng, chỉ những chi tiết nhỏ như đôi giày cao gót thôi cũng là thể hiện sự phân biệt giới tính. Tại Nhật Bản, nói về vấn đề phân biệt giới tính là chuyện không dễ dàng, mọi người thường tránh chủ đề này. Tuy nhiên tôi mong xã hội sẽ dần ý thức hơn”.

Một nữ sinh (22 tuổi) thành viên trong nhóm của Ishikawa cho hay, cô không phản đối giày cao gót nhưng loại giày này có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Cô nhắc tới những phụ nữ lớn tuổi hiện không thể đi một số loại giày nhất định do bàn chân bị biến dạng sau một thời gian dài đi giày cao gót ở văn phòng. “Chúng tôi muốn một điều luật mới, vì tôi tin đây là một vấn đề cấp bách”, nữ sinh này nói.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tương tự phong trào #Kutoo, gần đây phụ nữ Nhật Bản tiếp tục đấu tranh để phụ nữ được đeo kính đi làm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. “Nếu đeo kính thực sự là vấn đề tại nơi làm việc thì ai cũng nên bị cấm, kể cả phụ nữ và đàn ông. Chuyện này giống hệt vụ bắt đi giày cao gót. Đó là quy định dành riêng cho lao động nữ”, nhà văn Yumi Ishikawa, người khởi xướng phong trào #Kutoo nêu ý kiến.

“Những lý do cho việc cấm phụ nữ đeo kính đều thực sự vô nghĩa. Tất cả đều vì phân biệt giới tính. Vấn đề này không liên quan gì tới cách phụ nữ làm việc. Các công ty chỉ đánh giá vẻ ngoài của phụ nữ và muốn họ thêm nữ tính. Những người đeo kính thì không đáp ứng điều kiện đó”, Giáo sư Kumiko Nemoto (Đại học Ngoại ngữ Kyoto) cho biết. Bà cũng nói thêm rằng người dân đang phản ứng lại với các chính sách “lỗi thời” và những bài báo phản ánh tư duy “cũ kỹ của Nhật Bản”.

Đọc thêm