Kỷ lục điêu khắc trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

(PLVN) - Bên cạnh sự độc đáo về kiến trúc, cách bày trí và giá trị của các tư liệu lịch sử, Khu di tích Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ấn tượng bởi những tác phẩm điêu khắc “có 1 không 2”, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận.
Tác phẩm “Trống đồng Đông Sơn và Chín đầu rồng”.
Tác phẩm “Trống đồng Đông Sơn và Chín đầu rồng”.

Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc tại trung tâm TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) – Thủ phủ đất Sen Hồng. Khuôn viên Khu di tích luôn được che chắn và tô điểm bởi hàng trăm loại cây xanh, hoa kiểng quý, tạo bóng mát và vẻ đẹp tự nhiên cho nơi yên nghỉ của một nhà nho yêu nước. 

Phía bên phải mộ là vườn cây lưu niệm do các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trồng, bên trái là vườn cây lưu niệm của 12 huyện, thị, thành trong tỉnh Đồng Tháp dâng tặng. Trong đó có cây khế và cây sộp gần 300 năm tuổi do ông Ngô Văn Hay, một gia đình là cơ sở của cách mạng ở Sa Đéc tặng. Năm 2014, 2 cây này được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp.

Đặc biệt hơn, tại Khu di tích còn có 2 tác phẩm điêu khắc bằng gỗ “Trống đồng Đông Sơn và Chín đầu rồng”; “Hoa sen và 12 con giáp” của Nghệ nhân  Lê Trí Liên (Đồng Tháp) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận “Tác phẩm về điêu khắc nghệ thuật từ gốc cây nguyên khối lớn nhất Việt Nam”. 

Tác phẩm “Trống đồng Đông Sơn và Chín đầu rồng” được làm từ gốc cây Dầu có tuổi thọ hơn 100 năm ở Đình Long Khánh (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Lúc chưa chế tác, gốc cây có đường kính gần 3m (cả bộ rễ khoảng 5,8m) nặng khoảng 10 tấn. Mặt trên gốc cổ thụ chạm khắc hoa văn hình trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam, xung quanh là 9 đầu rồng tượng trưng cho 9 nhánh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có một con rồng đang thế vươn lên, bay xa tượng trưng cho ước mơ Đồng Tháp cùng với Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên, bay xa sánh vai cùng cả nước đưa đất nước tiến lên vững chắc trên con đường phát triển và hội nhập. Đây là tác phẩm có ý tưởng hết sức độc đáo và cũng là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp.

Tác phẩm điêu khắc nghệ thuật hình “Hoa sen và 12 con giáp” được làm từ gốc cây dầu có tuổi thọ trên 100 năm tuổi do người dân ở Đình Long Khánh, huyện Hồng Ngự tặng. Gốc cây được nghệ nhân chế tác trong thời gian 3 tháng.

Tác phẩm “Hoa sen và 12 con giáp” chế tác từ gốc cây dầu hơn 100 tuổi.
Tác phẩm “Hoa sen và 12 con giáp” chế tác từ gốc cây dầu hơn 100 tuổi. 

Mặt trên của gốc cây là hình ảnh hoa sen - biểu tượng của quốc hoa Việt Nam với 5 cánh sen cách điệu tượng trưng cho 5 lĩnh vực: lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, giáo dục của nước Việt Nam và ôm trọn, ấp ủ trong lòng là hình ảnh bản đồ nước Việt Nam giàu đẹp. Nói đến sen, nhà thơ Bảo Định Giang đã viết: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Sen được tôn vinh và gợi nhớ tới hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh, sen cũng gần gũi với tính cách giản dị của người Việt. 

Bên cạnh là hình ảnh đàn chim Lạc Việt, biểu tượng cho truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt Nam, thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc, sự cao quý và thiêng liêng. Chim Lạc Việt với dáng thanh mảnh, hướng bay cao vút lên cao mang tinh thần vươn xa, cầu tiến, là biểu tượng để đem lại nguồn năng lượng sống dồi dào, và ý chí mạnh mẽ. 

Xung quanh vòng tròn lớn là hình ảnh 12 con giáp cùng với những đóa hoa sen, 12 con giáp tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Từ hình ảnh bản đồ đến 12 con giáp cho ta thấy hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hoá của người Việt. Những tác phẩm này đã góp phần tạo thêm những nét đặc trưng, ấn tượng cho Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – nơi yên nghỉ của một người cha vĩ đại.

Đọc thêm