Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tưởng nhớ Anh hùng Lý Tự Trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2022) - tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất của thanh niên Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, câu chuyện về Anh hùng Lý Tự Trọng là tấm gương sáng ngời mà thanh niên trẻ Việt Nam mọi thế hệ cần ghi nhớ để tiếp bước cha anh, tự hào về truyền thống nước nhà.

Quá trình thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Vào cuối tháng 3 năm 1931 dưới sự chủ tọa của Tổng bí thư Trần Phú, Đoàn TNCS Đông Dương ra đời. Trải qua nhiều giai đoạn, tổ chức đã từng có nhiều tên gọi như Đoàn thanh niên dân chủ, Đoàn thanh niên phản đế, Đoàn thanh niên cứu quốc, Đoàn thanh niên lao động; và ngày nay là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong suốt bề dày hoạt động 91 năm, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã luôn nỗ lực phát triển, kế thừa và phát huy truyền thống, giá trị tốt để của thế hệ ông cha trong việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ và chức năng của mình. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với sự tham gia của tuổi trẻ Việt Nam đã luôn chứng tỏ được lòng yêu nước, sự trung thành cũng như lòng tin tuyệt đối của mình vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã làm tròn vai trò là tổ chức hạt nhân chính trị của thanh niên Việt Nam qua việc cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng thể hiện được vị thế của thanh niên Việt Nam trên trường quốc tế qua các quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Lịch sử dân tộc có rất nhiều vị anh hùng trẻ tuổi hi sinh từ khi vẫn còn trong độ tuổi thanh niên. Đặc biệt, với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, một tổ chức chính trị - xã hội dành cho thanh niên Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, câu chuyện về người anh hùng Lý Tự Trọng lại càng được nêu cao hơn bao giờ hết.

Tượng đài Anh hùng Lý Tự Trọng

Tấm gương sáng cho thanh niên thời đại

Lý Tự Trọng tên khai sinh là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914, quê gốc ở Hà Tĩnh. Từ nhỏ, anh và gia đình đã sang Thái Lan sinh sống và tham gia các hoạt động yêu nước.

Lý Tự Trọng là người có tư chất thông minh, có khả năng tiếp thu tốt lại nhanh nhẹn, kiên cường và có nghị lực phi thường. Anh thành thạo ba ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Thái Lan.

Với những tài năng và phẩm chất đó, mùa hè năm 1926, anh là một trong số ít người được chọn sang Quảng Châu đào tạo lâu dài cho việc xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản tại Việt Nam.

Thời điểm bấy giờ, anh và nhóm thiếu niên ấy đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; và cũng từ thời điểm này, anh đổi tên thành Lý Tự Trọng để đảm bảo bí mật khi hoạt động.

Đến năm 1929, anh được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn làm thông tin liên lạc cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng. Anh còn được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh qua hoạt động vận động, tập hợp thanh niên từ các nhà máy, phân xưởng và trường học.

Tháng 2/1931, tại tỉnh Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ mở một cuộc tuyên truyền tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi sự đấu tranh từ quần chúng nhân dân. Trong lúc các chiến sĩ cách mạng đang tổ chức mít tinh, giương cao cờ đỏ sao vàng và búa liềm và diễn thuyết kêu gọi quần chúng nhân dân đánh đuổi thực dân Pháp, tên thanh tra mật thám Pháp Le Grand và đồng bọn đã đi tới. Lý Tự Trọng đã bắn chết Le Grand để cứu đồng đội. Sau đó, anh đã bị chúng bắt đi.

Trong quá trình bị giam giữ, một tên phản bội đã khai ra anh, bọn thực dân Pháp đã tra tấn anh bằng nhiều thủ đoạn dã man. Với tinh thần yêu nước, sự gan dạ, kiên cường của mình, anh đã chịu đựng tất cả đòn roi mà không hé răng nửa lời. Lúc đó, người anh hùng của dân tộc còn chưa đầy 18 tuổi. Sau một thời gian tra tấn vô ích, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã kết án anh tội tử hình.

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng

Trước tòa, anh dõng dạc tuyên bố: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”.

Rạng sáng ngày 21/11/1931, thực dân Pháp dựng máy chém ở Sài Gòn để xử tử anh. Đối diện với cái chết, anh không hề run sợ mà ngược lại thể hiện được tinh thần và niềm tin vào cách mạng - tinh thần mà mọi thế hệ thanh niên sau này cần noi theo. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, anh đã dõng dạc tuyên bố: “Đả đảo thực dân Pháp, Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm, Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”

Trong trái tim của anh hùng dân tộc Lý Tự Trọng, ánh sáng của Đảng, ánh sáng của cách mạng là kim chỉ nam, là điểm tựa vững chắc nhất ngay cả khi cái chết đã cận kề với anh. Cho dù phải chịu đau đớn, phải hy sinh, anh luôn có niềm tin mãnh liệt, mạnh mẽ và cháy bỏng về tương lai tươi sáng, độc lập của nước nhà.

Kẻ thù cho dù có dùng bao nhiêu biện pháp dã man, vô nhân đạo thì cũng đều phải chùn bước trước tinh thần kiên quyết, sự quả cảm của người hùng trẻ tuổi của dân tộc ta. Anh hùng Lý Tự Trọng mà minh chứng người thật việc thật cho câu nói “Sống không phải dài hay ngắn, mà là sống như thế nào”.

Đây là một tinh thần, một tấm gương cho thanh niên, cho tuổi trẻ Việt Nam trong mọi thời đại, đặc biệt là thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Học tập anh hùng Lý Tự Trọng về phẩm chất, nhân cách, về tinh thần học tập, sự cống hiến hết mình, về tâm thế chủ động trong mọi lĩnh vực là điều là thanh niên Việt Nam cần ghi tạc trong lòng.

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các thế hệ trẻ Việt Nam lại có cơ hội được nhìn lại những câu chuyện, các tấm gương làm nên những trang sử hào hùng, những nét son chói lọi của nước nhà. Đặc biệt là tấm gương về anh hùng Lý Tự Trọng, vừa là một thanh niên Việt Nam quả cảm, anh dũng, vừa là một trong những người tiên phong trong quá trình thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Đọc thêm