Người cho chúng ta biết về sự kiện này là vị tướng người Bungari, nguyên chính ủy trung đoàn các chiến sĩ quốc tế, thuộc sư đoàn bộ binh cơ giới đặc biệt gồm những người cộng sản nước ngoài làm việc trong các cơ quan của Quốc tế cộng sản.
Vị tướng đó tên là Ivan Vinarốv tác giả cuốn hồi ký cảm động về các cuộc chiến đấu đẫm máu ở ngoại ô Mátxcơva. Ông cho biết, trong trung đoàn của ông, có các chiến sĩ chống phát xít người Đức, Áo, Tây Ban Nha, Bungari, tạo nên bộ xương sống của Trung đoàn, có sáu đảng viên cộng sản Việt Nam.
Từ thông tin quan trọng này, các nhà nghiên cứu Liên Xô, đặc biệt là những người hoạt động trong hội hữu nghị Xô-Việt, đã tích cực đi tìm dấu vết của những người anh hùng Việt Nam. Theo ông Evgheni P.Glazunov, Chủ tịch Hội hữu nghị Liên bang Nga với Việt Nam, việc tìm kiếm tư liệu về các chiến sĩ Việt Nam tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại không hề đơn giản bởi họ không dùng tên thật mà dùng bí danh.
Tiến sĩ E.Côbêlév, nhà Việt Nam học và Xônxév, người lãnh đạo Ban phiên dịch tiếng Việt của Đài phát thanh Mátxcơva cũng là những người tích cực đi tìm tin tức về các anh hùng Việt Nam vô danh.
Kết quả cuối cùng cho biết: Họ vốn là những người mà tháng 7 năm 1926, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Bác Hồ kính yêu của chúng ta) đề nghị với Hội đồng Trung ương Đội thiếu niên tiền phong toàn liên bang ở Mátxcơva tiếp nhận để đào tạo thành nhiều cán bộ tương lai của nước nhà. Hồi đó, họ còn trẻ, ở tuổi từ 12 đến 15, là con em các gia đình chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật. Họ đến Quảng Châu (Trung Quốc) theo sự sắp xếp của Bác Hồ và được Người ngay từ hôm đầu tiên đặt tên mới, có chung một họ là Lý - “cháu” của Lý Thụy (bí danh của Bác Hồ trong thời gian này).
Trong gia đình họ Lý ấy có Lý Tự Trọng, một tên tuổi vẻ vang của phong trào thanh niên cộng sản Việt Nam. Được biết có 6 thiếu niên được gửi sang Liên Xô, do Vương Thúc Tình tháp tùng. Họ đến Mátxcơva, đi đường rất vất vả. Đầu tiên đi tàu thủy Xô-Viết từ Thượng Hải đến Vlađivôxtốc, rồi từ đó đi tàu qua Xibia đến thủ đô Liên Xô.
Ở Mátxcơva, họ được học tập, sau đó làm việc trong các tổ chức thanh niên của Quốc tế cộng sản. Cuộc sống mới của họ bị chiến tranh làm gián đoạn. Và những người trẻ tuổi đến từ Việt Nam đã nhập ngũ, đi vào trận chiến đấu cuối cùng. Tiến sĩ E.Côbêlev viết trong một công trình nghiên cứu của mình như sau: “Xin đừng quên những người đã ra đi trong trận chiến đấu vì Mát-xcơ-va” đó là những lời trong bài hát nổi tiếng thời chiến tranh.
Sau những cuộc tìm kiếm phối hợp lâu dài của cả hai bên, Việt Nam và Liên Xô đã xác định được tên tuổi của các chiến sĩ Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ Mátxcơva. Đó là:
- Nguyễn Sinh Thản (bí danh là Lý Nam Thành).
- Vương Thúc Thoại (bí danh là Lý Thúc Chất).
- Hoàng Anh Tợ (bí danh là Lý Anh Tạo).
Cả ba liệt sĩ trên đều là người làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An quê Bác. Từ tháng 10-1941, họ xây dựng công sự, đặt các bãi mìn, dựng vật chướng ngại. Sau lễ duyệt binh ngày 7-11-1941, cả đơn vị bắt đầu tham gia chiến đấu ở hướng Xuckhianisi và một số nơi khác, theo sự phát triển của chiến dịch, để giành giật với kẻ thù từng tấc đất, góp phần cùng toàn quân, toàn dân Mátxcơva đẩy lùi bọn phát xít.
Trong các chiến sĩ được Đoàn chủ tịch Xô-Viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Huân chương Chiến công bảo vệ Tổ quốc hạng nhất vào ngày 12-12-1986 và tặng Kỷ niệm chương 40 năm chiến thắng phát-xit, huy hiệu Cựu chiến binh Liên Xô còn có: Vương Thúc Tình và Lý Phú San.
Cho đến nay chưa xác định được Vương Thúc Tình là người vùng nào. Riêng Lý Phú San, tên thật là Lê Phan Chăn, sinh năm 1900 tại thôn Phú Lâm, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Ông là người duy nhất sống sót trở về. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, ra Hà Nội làm đầu bếp cho một tên chủ Pháp, đã trốn sang Pháp cùng chủ năm 1924. Tại đó, ông được gặp Bác Hồ và bí mật đưa sang Liên Xô học tập tại Trường đại học Phương Đông.
Tốt nghiệp, Lý Phú San xin về nước để hoạt động, nhưng tình hình đi lại quá khó khăn, anh ở lại Liên Xô làm thợ nguội tại nhà máy xe lửa Gôman. Năm 1937, anh chuyển sang làm việc tại một bệnh viện ở Mátxcơva.
Coi Liên Xô là “quê hương thứ hai”, Lý Phú San tham gia chiến đấu với trách nhiệm hộ lý, tổ trưởng tổ giặt là, đã làm việc hết sức mình, kể cả hiến máu để bảo vệ, chăm sóc thương binh Xô-viết. Anh đã đồng thời tham gia tự vệ, đội cứu hỏa, xây dựng chiến lũy, dũng cảm dập tắt nhiều đám cháy trên các nóc nhà thành phố.
Lý Phú San đã được Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Lao động (số 0986), Huân chương Xtalin do 14 năm liên làm việc quên mình ở Uran tham gia xây dựng hậu phương, tạo ơ sở vật chất và tại nhà máy phụ tùng khai thác than. Năm 1956, ông về nước, làm việc tại Sứ quán Liên Xô ở Hà Nội và từ trần ngày 27-12-1980, thọ 80 tuổi.
Trong một bức thư gửi cho tôi, cụ Vương Quế, người xã Kim Liên, quê hương Bác Hồ đã miêu tả cuộc mít tinh trọng thể đón Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô về tận quê hương các anh hùng liệt sĩ trao tặng các huân, huy chương cao quý. Các bạn Liên Xô rất xúc động trước tấm gương hy sinh cao cả của những người con Nghệ An Xô-Viết anh hùng, góp phần thắt chặt tình hữu nghị máu thịt đời đời giữa nhân dân hai nước anh em.