Kỳ tích Củ Chi

(PLVN) - Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Hình phục dựng cảnh sinh hoạt trong khu Địa đạo của chiến sĩ cách mạng .
Hình phục dựng cảnh sinh hoạt trong khu Địa đạo của chiến sĩ cách mạng .

“Làng ngầm” 

Những ngày này, cùng với không khí cả nước, Địa đạo Củ Chi cũng trang hoàng vào Xuân. Từ trung tâm TP HCM, di chuyển khoảng 70 km về hướng Tây Bắc sẽ đến Địa đạo Củ Chi. Nơi đây được biết đến như là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. 

Lãnh đạo khu di tích khẳng định, với tầm vóc chiến công, Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20, trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, bệnh xá, nhà bếp, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm… và được mệnh danh là “TP trong lòng đất”.

Ở Củ Chi, địa đạo có sớm nhất vào năm 1948 ở hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Lúc đầu chỉ có những đoạn ngắn cấu trúc đơn giản dùng để cất giấu tài liệu, vũ khí, trú ém cán bộ hoạt động trong vùng địch hậu; về sau lan rộng ra nhiều xã. 

Một đoạn đường hầm trong địa đạo.
Một đoạn đường hầm trong địa đạo.
Địa đạo Củ Chi hiện được bảo tồn ở hai địa điểm: 

- Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP HCM, được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 54 ngày 29/4/1979.

- Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 101 ngày 15/12/2004.

Từ 1961-1965, cuộc chiến tranh du kích của quân dân Củ Chi đã phát triển mạnh, gây cho địch những tổn thất lớn, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Sáu xã phía bắc huyện Củ Chi đã hoàn chỉnh đường địa đạo “xương sống”.

Sau đó, các cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với đường “xương sống”, thành hệ thống địa đạo liên hoàn. Địa đạo Củ Chi không mang tính thụ động mà mang tính chủ động chiến đấu kết hợp với trận địa mìn trái dày đặt trên mặt đất, trở thành mối nguy hiểm thường nhật đối với địch trong suốt cuộc chiến tranh.

Dựa vào hệ thống đường ngầm, công sự, chiến hào, quân dân Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân Mỹ nhiều lần tấn công vào đất Củ Chi nhưng gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu, đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”… 

Du khách đến trải nghiệm cảm giác bắn súng tại khu di tích.
Du khách đến trải nghiệm cảm giác bắn súng tại khu di tích. 

Những sự tích có thật từ địa đạo đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, mọi người sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất thế giới. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân đông hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, quân và dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt.

Một trong những chiến công hiển hách là trận thắng cuộc càn Cedar Falls của Mỹ. Ngày 8/1/1967, quân Mỹ mở cuộc hành quân Cedar Falls vào vùng “Tam giác sắt”, nhằm triệt phá căn cứ và lực lượng cách mạng.

Thời gian này, hệ thống địa đạo đã đạt đến độ dài với tổng số khoảng 250 km. Cuộc hành quân bị tổn thất nặng và phải chấm dứt sớm hơn dự tính (chỉ diễn ra 19 ngày). Những quả “mìn gạt” do anh hùng Tô Văn Đực sáng chế được sử dụng khắp các trận địa, góp phần tiêu diệt hàng trăm xe cơ giới và nhiều trực thăng, bộ binh Mỹ, đẩy lùi bước chân tội ác của quân thù.

Tính chung toàn bộ trận càn, giặc tổn thất hàng ngàn tên, 130 xe tăng, xe bọc thép, 28 máy bay. Quân Mỹ phải thú nhận: “…không thể phá hủy được địa đạo vì nó không những quá sâu mà còn vô cùng ngoắt ngoéo, ít chỗ nào thẳng… Đánh bằng công binh không hiệu quả… và rất khó tìm cửa hầm để xuống địa đạo...”.

Hình vẽ lát cắt một phần Địa đạo Củ Chi.
Hình vẽ lát cắt một phần Địa đạo Củ Chi.

“Không thể tin được” 

Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã mở rộng nhiều hoạt động, nhiều tour tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm. Nếu theo Chương trình tour tham quan, du khách có thể đến viếng Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, xem sa bàn đánh bại trận càn Cedar Falls, xem phim 3D mô phỏng trận càn Cedar Falls, tham quan Khu tái hiện Vùng Giải phóng, trải nghiệm mô hình tráng bánh, nấu rượu, đan bồ, tham gia đánh trận giả bằng súng sơn, tham quan địa đạo, mua sắm... Giá tour trọn gói  với khách Việt Nam 380.000 đồng/người, khách nước ngoài 450.000 đồng/người…

Chị Nguyễn Thị Trâm Anh (sinh viên ĐH Sư phạm TP HCM), chia sẻ, đến đây, mọi người không chỉ được nhìn ngắm những công trình không tưởng được tạo ra từ sức người, mà chúng ta còn thấy tim mình rung lên vì lòng tự hào, sức mạnh quật cường của dân tộc trong cuộc chiến chống ngoại xâm...

Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu, công sức của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, khu căn cứ địa đạo Củ Chi đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia.

Vũ khí quân ta thu được trưng bày tại Củ Chi.
Vũ khí quân ta thu được trưng bày tại Củ Chi. 

Địa đạo Củ Chi cũng thu hút khách trong nước, ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu ngày càng đông; trở thành điểm hẹn truyền thống của các thế hệ Việt Nam.

Theo thống kê, Địa đạo Củ Chi đã có hàng chục ngàn đoàn du khách với hàng triệu người đủ màu da, sắc tộc trên thế giới đến viếng thăm. Từ các vị nguyên thủ quốc gia, đến các chính khách, tướng lĩnh, nhà khoa học, triết học, nhà văn, nhà báo, cựu chiến binh Mỹ... Họ đặt chân xuống địa đạo với tất cả niềm xúc động và kính phục đối với vùng đất anh hùng. Một chính khách ở Cộng hòa Liên bang Đức đã phát biểu: “Đã nhiều năm tôi nghi ngờ về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Làm sao một nước nhỏ và nghèo lại có thể đánh thắng một nước lớn và giàu có như nước Mỹ. Nhưng khi tới đây, chui qua 70m đường hầm, tôi đã tự trả lời được câu hỏi đó”.

Còn đến thăm địa đạo, gặp chúng tôi, anh Mike, một du khách người Anh sững sờ: “Không thể tin được. Đất nước bạn quá anh dũng. Địa đạo quá thần kỳ…”. 

Quân Mỹ bối rối trước một miệng hầm Củ Chi trong một trận càn.
Quân Mỹ bối rối trước một miệng hầm Củ Chi trong một trận càn.

Giữa năm 2019, tại Hội thảo về Lịch sử chính quyền TP HCM, nhiều ý kiến đề xuất đưa công trình Địa đạo Củ Chi (ở huyện Củ Chi) vào công trình tiêu biểu của TP HCM và cần làm hồ sơ đề nghị thế giới công nhận công trình này là di sản thế giới để phát triển du lịch.

Đây là đề xuất được hội thảo đánh giá rất thú vị và được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đồng tình. Ông Phong cho hay: “UBND TP đang giao các cơ quan chức năng làm thủ tục đề nghị công nhận Địa đạo Củ Chi là di sản thế giới”.  

Để cụ thể hóa hơn nữa quyết tâm này của TP, mới đây, trong Dự thảo (lần 1) Báo cáo chính trị ĐH Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, câu chuyện này một lần nữa được ghi nhận. Theo Dự thảo, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của TP trong giai đoạn 2020-2025 là phải có “Đề xuất công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới với Địa đạo Củ Chi” nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của nhân dân TP...

Đọc thêm