Ký ức kinh hoàng ở thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu

(PLO) - Hơn hai thập kỷ đã trôi qua, thủ phủ đá đỏ Châu Bình (Quỳ Châu – Nghệ An) đã có nhiều sự đổi thay, nhưng vẫn còn nhiều đó dấu tích, những ký ức kinh hoàng như mới hôm qua. 
Đồi Tỷ nơi xảy ra vụ sập hầm kinh hoàng khiến gần 100 người chết.
Những địa danh “ra đời từ u ám”
Châu Bình vốn là mảnh đất yên bình, là điểm tiếp giáp của hai huyện Quỳ Châu – Quỳ Hợp (Nghệ An). Nếu không có cơn sốt đá đỏ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, hẳn sẽ không nhiều người biết đến Châu Bình. Cơn sốt đá đỏ năm nào đã “khai sinh” lại mảnh đất Châu Bình và gắn cho nó biệt danh “thủ phủ đá đỏ”. Nhiều địa danh khác cũng được đặt tên từ miền quá khứ này.
Hay như lời nói đùa của ông Kim Văn Duyên (Chủ tịch UBND xã Châu Bình) rằng “đào đá ở đồi này được tiền tỷ thì gọi là “đồi Tỷ”, đào đá ở đồi kia được tiền triệu thì gọi là “đồi Triệu”. Cả một vùng đồi núi, đồng ruộng rộng lớn thuộc bản Kẻ Khoang, Kẻ Nâm của xã Châu Bình xưa kia người tứ xứ đến xới đào hòng kiếm tiền tỷ, tiền triệu.
Theo ký ức của những người dân nơi đây, đồi Tỷ là quả đồi có trữ lượng đá nhiều nhất Châu Bình, những viên đá đỏ được “khai quật” ở đồi Tỷ thường có màu sắc đẹp, luôn mang kỷ lục về kích cỡ và giá trị.
Anh Vi Văn Toàn (công an viên xã Châu Bình) dẫn chúng tôi vào đồi Tỷ. Con đường vào đồi Tỷ ngoằn ngoèo, dốc nối dốc và lạnh lẽo. 
Dấu tích ở đồi Tỷ đến nay vẫn còn vẹn nguyên, dưới ngọn đồi trọc đỏ au một màu là hồ nước xanh rì, sâu hoắm. Anh Toàn chỉ cho chúng tôi những hố đào sa (cát), hàm ếch bên vực đồi Tỷ ăn sâu vào lòng núi. Xung quanh nơi chúng tôi đứng, hàng trăm hố lớn, hố nhỏ đan xen những phiến đá lớn. Xa xa phía trên bãi đất trống, trơ trọi hai chiếc sàng lọc sa lớn của Xí nghiệp Đá quý Nghệ An đã mốc rêu, hoen gỉ.
Khác với đồi Tỷ, đồi Triệu nằm sát bên quốc lộ 48. Ông Vi Văn Luật (54 tuổi, người dân bản Độ 2, xã Châu Bình) vốn là một phu đá đỏ cho hay: “Đồi Triệu xưa kia là vựa lúa của Châu Bình. Ruộng đồng đồi Triệu vốn được gọi là cánh đồng Kẻ Khoang”. Thế nhưng, khi cơn bão đá đỏ quét qua, hình ảnh lúa chín vàng từng hạt chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người có tuổi ở bản Kẻ Khoang. 
Giờ nơi đây chỉ còn lại cảnh hoang tàn, hố chen hố, vũng kề vũng, đất đá, cát sỏi lẫn lộn. Cũng vì thế mà 3,4 năm sau khi Châu Bình “hạ sốt”, mảnh đất màu mỡ không còn, dịch vụ ăn theo viên đá màu đỏ cuốn theo cát sa, người dân bản xứ không còn đất canh tác, thêm vào đó là hậu quả của biết bao tệ nạn vẫn chưa dứt. Nhiều người dân Châu Bình đã thốt lên rằng: “những năm sau đó, cảm tưởng như chúng tôi đang rơi vào cơn đói Ất Dậu năm nào”.
Hồng ngọc làm mờ màu mắt
Tháng 6/1991, dưới chân đồi Tỷ, màu đỏ của đá, màu đỏ của máu hòa vào nhau sau một chuỗi những tiếng “uỳnh” như sấm nổ. Hầm sập. Không chỉ một mà hầm nối hầm cứ sập liên hoàn. Đất đá đổ sụp xuống. Hơn 80 linh hồn “chuột chũi” đào hầm khoét núi hứng chịu cơn giận dữ của núi rừng.
“Tiếng người la thất thanh, khung cảnh tháo chạy hỗn loạn. Hơn 10 ngày sau người ta vẫn chưa tìm thấy hết thi thể những người tử nạn, chỉ đào bới được hơn 80 thi thể đưa ra quốc lộ chờ người nhà tới nhận mặt”, ông Duyên xót xa kể lại.
 Đồi Mộ, nơi từng là nghĩa trang của người Thái, đã bị san phẳng do "bão đá đỏ".
Nhưng thiên tai không phải nguyên nhân duy nhất khiến nhiều người gục ngã trên mảnh đất này. Theo lời kể, khu vực đồi Tỷ, đồi Triệu khi đó là địa bàn tranh giành chiến lược của những tay anh chị khét tiếng côn đồ. Những cái tên như Phong “trọc”, Tường “lợn”, Phương “tay trái”, Đường “mặt rộ”, Hà “lỳ” mãi mãi là nỗi khiếp đảm đối với người dân đi đào đá đỏ.
Ông Duyên kể, thi thoảng lại có người bỏ mạng vì tranh giành địa bàn. Không những vậy, người bỏ mạng còn vì đủ thứ lý do khác: sập hầm, lở hàm ếch hay sốt rét ác tính… Đến nỗi thời điểm ấy, gần chục kilômét  dọc đường 48 không khi nào ngớt mùi khói hương. 
Ông Vi Văn Luật hồi tưởng: “Đồi Mộ là nghĩa trang của người Thái, cuối năm 1991 người tứ xứ vào đào đá đông lắm, họ đào tan tành, xới tung cả đồi Mộ. Ban ngày công an và dân bản đuổi nên cứ đêm xuống là họ đào. Người dân mình không đào ở chỗ đó nhưng người tứ xứ cứ đào nên không thể giữ được. Sau đợt đó, dân bản có mộ người nhà ở đó phải mời thầy về cúng”. 
Ngập ngừng đôi chút, ông Luật nghẹn lời nói tiếp: “Dưới bản Kẻ Nâm, người ta còn đào tung cả những ngôi mộ mới đắp, đào tới tận chân quan tài để tìm đá. Lòng tham mù quáng nhiều khi khiến mỗi người không còn là chính mình nữa”. Vốn là một phu đào đá từ những ngày đầu, ông Vi Văn Luật thoạt đầu cũng lao ra khe suối mỗi ngày. Trúng quả một vài lần, ông đã có chút vốn liếng và từ đó cũng làm “sếp nhỏ”. 
Ông Luật kể : “Cứ chiều đến, khoảng 16 - 17h tôi lại đi dọc khe, suối hỏi mua đá của mọi người, đá nhỏ như mắt tôm phát giá mấy chục, một trăm ngàn là mua được. Đi một vòng là tôi gom được mấy lọ penixilin đá vậy rồi. Ra ngoài đường 48, có khách mua chênh giá là bán liền. Gặp viên đá to không đủ tiền mua thì tôi dẫn “sếp lớn” ở Nghĩa Đàn, Hà Nội vào mua. Cũng có khi tôi cùng mấy anh em chung tiền mua rồi bán lại cho “sếp lớn”. 
Năm 1992, sau một năm lăn lộn với hồng ngọc, ông Luật mua căn nhà ngói, xây gạch trong bản trị giá 10 cây vàng. Sẵn tiền, ông cũng tậu chiếc xe Simson mới cóng. Cũng nhờ đá đỏ mà ông Luật là người đầu tiên ở bản Độ 2 mua được xe máy, và cũng là số hiếm được ở nhà gạch thời ấy.
Trong căn nhà ngày ấy, ông Luật vẫn không khỏi thở dài, ngán ngẩm bộc bạch với chúng tôi: “Mấy cậu thấy đấy, ngôi nhà này là tất cả những gì tôi giữ lại được sau thời đá đỏ, mọi thứ còn lại thì mọc chân mà chạy, xe thì có bánh nên cứ bon rồi”. Nói rồi, hơi men cũng thoang thoảng hả ra. Ăn nhậu, say xỉn đã trở thành thói quen khó bỏ của những phu đá như ông từ sau những vụ khao bia, thết rượu mỗi chiều bán lãi đá đỏ…

Đọc thêm