Ký ức ngày 30/4/1975 qua lời kể của những Cựu chiến binh thầm lặng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2022), Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Cựu chiến binh, Trung tá Phạm Minh Hiền (Năm Hiền) - nguyên Phó Tham mưu trưởng Cục Kỹ thuật, Quân khu 7 và Trung tá Phạm Văn Kề (Sáu Kề) - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Z32, Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316.

Hai ông là những người chiến sĩ thầm lặng đã góp phần vào những chiến công, dấu mốc quan trọng, tô điểm hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Đến thời bình, hai ông tiếp tục cống hiến vào sự nghiệp xây dựng đất nước, giữ vững vẻ đẹp bộ đội cụ Hồ, hết lòng vì đồng đội và nhân dân.

Cựu chiến binh Trung tá Phạm Văn Kề sinh năm 1939 tại Quảng Ngãi. Ông nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 3 Z32 Lữ đoàn 316. Hiện tại là Sĩ quan thường trực, Ban liên lạc Cựu chiến binh của Lữ đoàn 316, Đặc công biệt động – Bộ tham mưu Miền B2.

Ông Phạm Văn Kể và ông Phạm Minh Hiền

Ông Phạm Văn Kể và ông Phạm Minh Hiền

Tháng 1/1955, khi mới 16 tuổi, ông Sáu Kề tham gia lực lượng Thanh niên Trung kiên do Phòng Quân báo huyện Đức Phổ tổ chức, để đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1957 – 1960, ông công tác tại Thị uỷ Gia Định, bắt đầu từ nhiệm vụ giao liên sau đó là Tổ trưởng vũ trang tuyên truyền. Ở đây, ông được giao làm công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng và bảo vệ cho ban cán sự cánh H159/Y4 Khu uỷ Sài Gòn- Gia Định. Đến năm 1960, nhập ngũ vào Đội biệt động 159/T4 thuộc cánh H159/Y4 Khu uỷ Sài Gòn- Gia Định. Năm 1965, ông chuyển công tác về ở đội 4 F100 Biệt động quân khu Sài Gòn- Gia Định.

Trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, ông đã đưa đón các chiến đấu viên của Đội 4 vào nội ém quân tại tổ 65 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm an toàn để chuẩn bị đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Trên đường về hậu cứ chuẩn bị tiếp tế hậu cần cho đơn vị thì ông bị địch bắt đưa về Ban 2 yếu khu, thị xã Gia Định tra tấn đánh đập. Suốt 03 ngày chúng không khai thác được gì, phải chuyển ông qua cảnh sát ty đặc cảnh miền Đông giam giữ tại bốt hàng keo Gia Định. Suốt 08 tháng, sự tra tấn rất dã man khiến ông chết đi sống lại nhưng với ý chí kiên định cùng lý tưởng cách mạng luôn rực sáng trong tim ông nhất quyết không khai báo nửa lời. Năm 1974, ông Kề đảm nhiệm chức vụ đại đội trưởng đại đội 3 Z32 thuộc Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, đóng quân ở xã Kiến An (nay là xã An Lập, huyện Dầu Tiếng), do yêu cầu cần có lực lượng Nội thành nên Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 316 điều ông vào nội thành để xây dựng Đội biệt động Nội thành.

Ông Phạm Văn Kể

Ông Phạm Văn Kể

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được giao nhiệm vụ đi vẽ bản đồ thành 61 Cổ Loa- căn cứ pháo binh nguỵ và ông đã tham gia tác chiến trong đội hình của Z32 đánh chiếm thành 61 Cổ Loa. Chiều ngày 28/4/1975, đơn vị tập kết tại xã An Phú Đông, đơn vị bí mật vận hành áp sát mục tiêu, đến 11 giờ đêm tiến đánh thành 61 Cổ Loa. Sáng ngày 30/4/1975 đơn vị chiếm được thành cổ.

Khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 8/1975 ông Kề chuyển về công tác tại quận Phú Nhuận củng cố chính quyền đoàn thể và xây dựng, phát triển sau chiến tranh. Đến năm 1990, ông về nghỉ hưu.

Cựu chiến binh - Trung tá Phạm Minh Hiền (Năm Hiền), con trai cụ Phạm Văn Chiêu, một trong những người đề xuất chủ trương thành lập chiến khu An Phú Đông và Chi đội 6 thời kỳ đầu chống Pháp. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng, ông Hiền đã sớm theo cha kháng chiến.

Được cử ra miền Bắc học tập, trở về quê hương ông đã dốc sức phấn đấu, xứng đáng với niềm tin của gia đình. Ở tuổi 85, ông hiền vẫn với vẻ ngoài bình dị, hào sảng đậm chất người lính, nhiệt tình kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời người chiến sĩ, về những ngày tháng chiến đấu giành độc lập cũng như ngày tháng xây dựng đất nước khi hoà bình lập lại. Có khó khăn, gian khổ lẫn nước mắt và cả xương máu nhưng tất cả đều là một niềm tự hào to lớn của người chiến sĩ.

Ông Phạm Minh Hiền - hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Quân Dân Chính Đảng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Để tưởng nhớ các bậc tiền bối đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho công cuộc dựng nước và giữ nước, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho các thế hệ người dân Việt Nam trên quê hương Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn, trên vùng đất anh hùng, đất thép Củ Chi thành đồng. Trong nhiều năm qua, ông Phạm Minh Hiền đã cùng với các đồng chí trong Câu lạc bộ tích cực thu thập tư liệu, vận động tài chính để xây dựng Đền Gia Định, có địa chỉ tại ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM

Ông Phạm Minh Hiền

Ông Phạm Minh Hiền

Mặc dù đã ở tuổi xế chiều, nhưng tâm trí của hai ông vẫn còn rất minh mẫn, từng hình ảnh về anh em, đồng đội, từng khoảnh khắc về sự mưu trí, dũng cảm, gan dạ của những người đã ngã xuống, hay cảnh mưa bom lửa đạn vẫn còn lưu giữ trong ký ức của hai Cựu chiến binh thầm lặng. Đó cũng là những ký ức mà hai ông không thể nào quên. Cởi bộ quân phục đầy huy chương trên ngực áo, ông Kề giõng dạc nói: “Tôi phấn đấu rèn luyện để giữ được phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ. Là người chiến sĩ cùng đồng đội đã phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, từng đổ bao mồ hôi, xương máu ở chiến trường nên phải giữ gìn bản thân mình. Mình may mắn còn sống để trở về với gia đình, được làm việc và cống hiến. Nay tuổi cao, nhưng với khả năng mình, tôi sẽ tiếp tục làm những việc có ích để làm gương cho con em, giúp chúng trở thành người có ích, góp sức mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với hai ông, còn sức khỏe thì vẫn còn làm việc, tham gia công tác xã hội, vận động quyên góp… vừa để vui tuổi già và góp ích cho đời.

Đọc thêm