Ký ức người cựu binh từng thực hiện nhiệm vụ trên chuyến “Tàu không số”

(PLVN) -  Hôm nay (23/10/2021), đánh dấu tròn 60 năm ngày đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập (23/10/1961) mở đầu cho những chuyến hành trình đầy bão táp của “Đoàn tàu không số” âm thầm thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men..chi viện cho chiến trường miền Nam góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ông Can kể lại cho chúng tôi về hành trình thực hiện nhiệm vụ trên chuyến tàu do ông làm thuyền phó.

Trong ngày kỷ niệm đầy hào hùng này, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với cựu binh Trương Văn Can (SN 1934, trú tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới) – Một trong những người lính từng thực hiện nhiệm vụ trên những chuyến “Tàu không số”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại thôn Đại Hữu, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cuộc đời người cựu binh Trương Văn Can không may sớm gặp những điều bất hạnh khi 9 tuổi mất cha, 15 tuổi tiếp tục mất đi người mẹ hết mực yêu thương.

Đến nay, khi đã gần tuổi 90, mái tóc ông Can đã bạc phơ, khuôn mặt hằn kĩ những dấu hiệu của thời gian nhưng khi được hỏi về hành trình cùng đồng đội rẽ sóng trên con “Tàu không số” theo đường Hồ Chí Minh trên biển vào chi viện cho miền Nam thì dường như ông vẫn nhớ như in.

Với ông Can, những ngày tháng cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ trên những con "Tàu không số" luôn là hồi ức khó quên.

Ông Can kể, sau Hiệp định Geneva 1954, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ráo riết tiến hành chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”, lê máy chém đi khắp miền Nam. Để tăng cường hơn nữa khả năng chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, Bộ Chính Trị quyết định mở thêm tuyến đường vận tải thứ hai bằng đường biển.

Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 (nay là Lữ Đoàn 125 Hải Quân), đánh dấu sự ra đời của tuyến vận tải chiến lược Hồ Chí Minh trên biển.

Thời điểm đó, sau khi được kết nạp vào Đảng và đào tạo 4 năm tại Trường Sỹ quan Hải quân, ông Can được biên chế về tàu 142, phân đội 3, Lữ đoàn 171, thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, tham gia đánh chặn máy bay Mỹ trên vùng biển Quảng Ninh.

Tiếp đó, từ tháng 3/1970 đến tháng 3/1972, ông Can được điều động làm thuyền phó hàng hải tàu 132, Lữ Đoàn 125 Hải Quân, tham gia vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam.

Được tham gia thực hiện nhiệm vụ trong một chuyến tàu của “Đoàn tàu không số” và vinh dự được giữ trách nhiệm làm thuyền phó, người cựu binh Trương Văn Can chia sẻ: “Chuyến tàu đó xuất phát vào tháng 4/1970 với 12 thuyền viên, vận chuyển hàng chục tấn hàng hóa với đích đến là vùng biển của tỉnh Bình Thuận.

Thực hiện nhiệm vụ vận chuyển bằng đường biển nên tôi và đồng đội luôn trong tâm thế sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc, lập tự do và thống nhất của Tổ quốc.

Anh em chúng tôi thời điểm đó quyết tâm như vậy bởi biết rằng những việc chúng tôi làm sẽ góp phần vào việc hỗ trợ miền Nam chiến đấu sớm đánh đuổi kẻ thù, thống nhất đất nước”.

Cựu chiến binh Trương Văn Can vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Khi những chuyến tàu chở hàng hóa, vũ khí, thuốc men ra khơi vào chi viện cho miền Nam, để tránh tai mắt địch, hầu hết các con tàu đều được ngụy trang thành tàu đánh cá, không mang số hiệu cố định và liên tục thay đổi lộ trình trên đường đi, tên gọi “Tàu không số” cũng từ đó mà ra đời.

Giữa biển cả mênh mông, hải trình kéo dài nhiều ngày, các thủy thủ đoàn phải đối mặt với sóng to, gió lớn, bệnh tật. Để bảo vệ hàng hóa, vũ khí, những người chiến sĩ hải quân trên "Tàu Không số" phải tìm mọi cách để tránh bị địch phát hiện.

Ngoài ra, trên mỗi “Tàu không số” luôn chuẩn bị sẵn một khối thuốc nổ dùng để tự phá tàu khi bị phát hiện và không để hàng hóa, vũ khí không rơi vào kẻ địch. Quan trọng hơn là phải phá hết dấu vết, không để lộ bí mật về tuyến đường Đường Hồ Chí Minh trên biển.

“Tàu của chúng tôi phía dưới là súng đạn, trên phủ ngư cụ để ngụy trang, giả dạng dưới hình thức tàu đánh cá, ra khơi cùng giờ với tàu của các ngư dân sau đó đi dọc theo hải phận quốc tế tiến vào phía Nam. Ra biển gió lớn, có những ngày không thể nấu ăn được, anh em chỉ ăn lương khô và uống nước. Cùng trải qua những hành trình cam go đó, những người đồng đội trên tàu luôn dành cho nhau sự quan tâm, hỗ trợ rất chân tình và luôn vì mục tiêu chung” ” ông Can cho biết.

Sau chuyến chi viện đầu tiên thành công, ông Can và đồng đội tiếp thực hiện 2 chuyến tàu vận chuyển hàng hóa, vũ khí khác vào tháng 12/1971 và tháng 2/1972. Tuy nhiên cả 2 chuyến tàu này khi gần đến đích đã phải quay đầu ra Bắc để bảo toàn vũ khí, khí tài do địch kiểm soát, đánh phá gắt gao.

Sau khi xuất ngũ và lập gia đình ở tuổi 40, vợ chồng ông Can hiện nay có 4 người con đều đã trưởng thành và thành đạt.

Sau những tháng ngày thực hiện nhiệm vụ trên tuyến "Đường Hồ Chí Minh trên biển", đến tháng 4/1972, ông Can được cấp trên điều động về Bình Trị Thiên nhận nhiệm vụ huấn luyện dân quân vùng biển sông Gianh.

Năm 1974, ông xuất ngũ về làm Thuyền trưởng của Công ty vận tải thủy Bình Trị Thiên và lập gia đình ở tuổi 40, cùng vợ nuôi dạy 4 đứa con khôn lớn. Với những đóng góp cho cách mạng, cựu chiến binh Trương Văn Can vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Năm 2021, đánh dấu tròn 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 – 23/10/2021) được thành lập, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, tuyến đường trên biển được thành lập có ý nghĩa chiến lược, góp phần quan trọng trong việc chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Đọc thêm