Những trận chiến hào hứng
Cả trăm năm trước, Thủy Ba là một vùng rừng rú rậm rạp, thuận lợi cho các loài muông thú sinh sống. Dân gian có câu: “Cọp Thủy Ba - Ma Trộ Rớ” (Trộ Rớ thuộc miền Tây tỉnh Quảng Bình - PV).
Con người nơi đây phải thường xuyên đối mặt hổ dữ, nhiều người đã bỏ mạng, mất xác. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên họ vẫn phải vào rừng, ra đường đi làm, nguy cơ nộp mạng cho “chúa tể sơn lâm” một cách đau đớn. Không ít người bị hổ vồ hụt để lại dấu tích trên người, hoặc bị tàn tật suốt đời.
Không chịu đau thương, người dân Thủy Ba sáng tạo ra cách săn bắt cọp. Ông Nguyễn Quang Nga (86 tuổi, ngụ thôn Thủy Ba Tây) kể, tương truyền làng Thủy Ba cũ có ba thôn là Đông, Tây, Hạ được tổ chức thành 20 toán bắt cọp còn gọi là xâu (mỗi xâu 12 - 16 người); trai tráng khỏe mạnh trong làng tuổi từ 17 đều phải tham gia. Mỗi xâu có chừng 4 tay lưới, hai lưỡi mác, hai nạng có cán dài. Ngoài ra còn có 4 nữ mạnh khỏe, tháo vát được cử đi theo các xâu để phục vụ hậu cần.
Mỗi khi dân làng gặp dấu tích cọp về thì tức tốc báo cho các các vị có chức sắc làng. Trưởng xâu và các chức sắc tổ chức họp, cử người theo dõi xác định vùng cọp ẩn náu, phán đoán vùng cần bủa vây.
|
Ông Nga thuật lại chuyện bắt cọp của làng Thủy Ba. |
Tìm nơi cọp núp là việc không phải ai cũng làm được, mà là bí quyết gia truyền. Rọi dấu cọp phải rất tinh, nhìn lốt chân cọp in trên đất mà đoán được cọp lớn hay nhỏ, dữ nhiều hay ít, hiện đang cách bao xa... Người rọi thấy dấu thì báo cho làng để làm lễ xin rải lưới: Giết một con gà trống rồi xem chân gà bói quẻ tốt xấu.
Muốn bắt được cọp, trước hết phải có bộ lưới thật bền chắc. Không thể dùng các loại lưới đan bằng vật liệu thông thường, duy nhất chỉ cây sót (một loại dây leo mọc ở rừng) đập giập, ngâm với nước vôi rồi phơi khô, bện thành lưới, sợi to bằng chiếc đũa… mới có thể làm lưới “chuyên dụng”. Gân lưới được làm bằng song mây, mỗi tay lưới dài khoảng 8m, cao 3,5m.
Trước khi bắt cọp, các trưởng xâu được mời đến để bàn bạc kế hoạch. Sau đó, ba hồi chuông báo lệnh và phèng la nổi lên, thanh niên tập hợp mang theo đầy đủ lưới, mác, nạng tiến đến vùng cần bủa vây. Một số người vác cọc gỗ, cọc tre, khiêng lưới tới địa điểm, khẩn trương đóng cọc, đưa lưới vây quanh nơi cọp nằm với diện tích hàng trăm m2.
Đồng thời lực lượng phối hợp cũng tới vị trí của mình để làm nhiệm vụ. Lưới khi đã vây kín, các “mũi tiến công” nhích dần về phía mục tiêu. Cứ thế, hàng cọc đóng theo hình vòng tròn được dịch chuyển vào phía tâm cũng là lúc chu vi vòng lưới hẹp dần, cho đến khi sát chỗ cọp núp.
Lúc này cọp lồng lên chực vọt ra ngoài nhưng lưới quá cao, đành chạy vòng quanh phía trong lưới gầm rú. Mặc cho cọp vùng vẫy, lưới cứ tiếp tục ép sát, giáo mác dựng lên tua tủa ở vòng ngoài, dồn cọp vào “cửa tử”. Một cái bẫy bằng gỗ dày, có lưới bao bọc gọi là rọ được đưa vào. Cọp trong lúc cùng quẫn, cùng đường chui đầu vào bẫy và bị sập kín.
Lúc bắt cọp, chuông trống gióng lên, thúc dồn để tạo phấn khích, hào hứng cho dân làng. Người chỉ huy la lớn: “Thủy Ba đứng dậy cho đều/Nghe tiếng ta reo, hùm vọt dậy”. Người bốn phía cùng hô theo đồng thanh: “Reo, reo, reo”.
“Ông nội tôi là cụ Nguyễn Chẻng từng là đội phó đội bắt cọp trong làng, khi tôi còn nhỏ xíu đã được nghe ông cha kể lại những đợt giăng ải, vây ráp bắt cọp. Đặc biệt là cách giăng ải bắt sống cọp, việc này đòi hỏi phải có lòng dũng cảm, tài trí và tinh thần đoàn kết cao. Công việc vây bắt cọp được tổ chức chặt chẽ, nghiêm cẩn như một trận đánh”, ông Nga nói.
Vua ghi nhận ban thưởng
Ở miền Trung, nhiều làng thường có cổng chào như một tấm danh thiếp đón khách phương xa. Cổng chào xã Vĩnh Thủy mang hai hàng chữ trên trụ cổng: “Thủy Ba nổi tiếng làng bắt cọp/Vĩnh Thủy lừng danh xã anh hùng” đã nói lên sự tự hào của người dân nơi đây về việc cha ông nổi tiếng khắp nơi nhờ bắt cọp.
Cách đây 10 năm, UBND xã Vĩnh Thủy đã thu thập một số vật dụng mà người dân trước kia sáng tạo nên để bắt cọp dữ. Hiện các kỷ vật được lưu giữ ở phòng truyền thống của UBND xã.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Chiến cho biết, vào triều Nguyễn, ở gần bến phà Tuần (hiện thuộc xã Hương Thọ, TP Huế) phía Tây Nam kinh thành Huế, xuất hiện cọp dữ ngày đêm quấy phá, giết nhiều người cùng trâu, bò, lợn... Triều đình ra chiếu đưa hàng trăm thanh niên trai tráng của làng Thủy Ba vào Huế bắt cọp. Mọi người đình hoãn việc làm ăn cấy cày để ra đi.
|
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy bên tấm lưới bắt cọp của người dân Thủy Ba hiện được lưu giữ tại bảo tàng truyền thống xã. |
Trận vây ráp thứ nhất, dân làng bắt được con hổ đực, trận thứ hai bắt được một hổ cái và ba hổ con, đều còn sống.
Sử xã Vĩnh Thủy viết: “Sau khi bắt được hổ, nhà vua trọng thưởng tiền và phong sắc cho những người tiêu biểu. Ông Nguyễn Chẻng được ban “khánh vàng”, ông Cao Dẫn được “khánh bạc”…”.
Kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, Thủy Ba trở thành vùng chiến khu, bom đạn triền miên. Cọp dần thưa vắng, lùi vào rừng sâu. Đến năm 1953, con cọp cuối cùng nguy hiểm nhất trong vùng bị vây bắt, kể từ đó những trận bắt cọp không còn. Nạn cọp dữ chấm dứt, nhưng tinh thần thượng võ, truyền thống bắt cọp của dân làng Thủy Ba đã trở thành huyền thoại đi vào sử sách và lưu truyền sâu rộng trong dân gian.
Theo ông Chiến, thời gian qua, một số trường học trên địa bàn đã tổ chức các buổi ngoại khóa, đưa học sinh đến tìm hiểu về truyền thống bắt hổ của địa phương. Lãnh đạo xã đã ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình.
“Chính quyền địa phương mong muốn bảo tồn bằng được giá trị văn hóa truyền thống bắt cọp của làng Thủy Ba xưa và xã Vĩnh Thủy ngày nay. Qua đó, lãnh đạo xã muốn tìm tài liệu lịch sử, tìm lại sắc phong vua ban thời nhà Nguyễn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vào Huế nhờ các nhà nghiên cứu xem có dấu tích, căn cứ gì không. UBND xã cũng sẽ xây dựng lại mô hình, tái hiện lại việc bắt cọp của làng Thủy Ba nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo để xứng đáng là xã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.