Làng nghề gốm sứ Bình Dương tạo nên những nét độc đáo, những dấu ấn riêng, mang đến một diện mạo mới cho Bình Dương. Gốm Bình Dương là gốm gia dụng phục vụ cho nhu cầu thiết thực hàng ngày trong cuộc sống, đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt nên các sản phẩm được tạo ra không quá cầu kỳ, kiểu cách, sang trọng như những dòng gốm phục vụ cung đình. Sự đơn giản, mộc mạc, chất phác từ tạo dáng sản phẩm, màu men và cách trang trí với những họa tiết rất đời thường, giản dị, gần gũi gắn liền với cuộc sống và thể hiện mong ước của người dân vào tương lai. Tính cách của con người Bình Dương được thể hiện qua từng sản phẩm với những kiểu dáng chắc khỏe, màu men thể hiện màu của đất, phù sa, mồ hôi của người lao động cần cù. Nét vẽ phóng khoáng của ngòi bút cũng góp phần thể hiện tính cách phóng khoáng, hòa đồng. Người nghệ nhân sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bình Dương đã gắn liền với những hình ảnh con gà, cá, chim, hoa, lá, côn trùng, con người, nên đã đưa những hình ảnh đó vào sản phẩm gốm để tạo nên cái hồn của sản phẩm, đặc trưng văn hóa.
Vào ngày 03 tháng 2 năm 2021 Bảo tàng tỉnh Bình Dương Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 598/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề gốm Bình Dương vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với những người làm nghề gốm nói riêng và nhân dân Bình Dương nói chung, là một bước tiến mới trong tương lai đưa nghề gốm Bình Dương ngày càng phát triển mạnh khắp các nơi trên thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời, nó cũng là một thách thức trong thời kỳ hội nhập và phát triển trong giai đoạn hiện nay đối với công tác bảo tồn và phát huy nghề gốm ở Bình Dương.
Việc nghề gốm Bình Dương được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có cơ sở pháp lý được bảo vệ di sản văn hóa đặc trưng của cả nước, đồng thời cũng là một bước tiến mới đưa nghề gốm Bình Dương ngày càng phát triển mạnh khắp các nơi trên thị trường trong nước và thế giới.
Giữ hồn và phát triển một thuở vàng son gốm Bình Dương
Trong giai đoạn hiện nay, đối với việc bảo tồn nghề gốm ở Bình Dương cũng là một thách thức trong bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế. Do đó, cần có những chính sách ưu tiên và giải pháp mạnh để phát huy tốt nhất giá trị di sản văn hóa phi vật thể này, nhằm góp phần thúc đẩy và phát triển du lịch Bình Dương cần chú trọng đẩy mạnh việc sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan nghề gốm Bình Dương xưa và nay.
Hiện nay Bảo tàng Bình Dương đang lưu giữ một số lượng lớn đồ gốm thủ công truyền thống, theo số liệu thống kê khoảng 1.800 hiện vật. Không gian trưng bày khá nhỏ nên việc trưng bày cũng có phần hạn chế. Chính vì thế, để phát huy nghề gốm truyền thống có hiệu quả cần xây dựng một bảo tàng chuyên đề về gốm sứ Bình Dương. Và để làm được điều đó, cần tiếp cận các bộ sưu tập gốm của Bình Dương giai đoạn trước ở các bảo tàng và các nhà sưu tập tư nhân. Thực tế, hầu hết sản phẩm gốm sứ Bình Dương giai đoạn trước năm 1975 còn lưu lại ở các bảo tàng lớn (như Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh), các nhà sưu tập tư nhân (ở khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ) và trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đây là nguồn hiện vật rất phong phú, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng từ gốm dân dụng đến gốm thờ cúng, gốm tín ngưỡng. Việc hình thành bảo tàng gốm sẽ là một bức tranh tổng thể về lịch sử cũng như những giá trị quý báu mà nghề gốm mang lại trong tiến trình phát triển vùng đất và con người Bình Dương. Đó là nơi thu hút các nhà nghiên cứu, thế hệ trẻ tham quan và học hỏi. Đồng thời, sẽ là một điểm du lịch lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước tìm về làng nghề thủ công truyền thống trên đất Bình Dương.
Sự đơn giản, mộc mạc, chất phác từ tạo dáng sản phẩm, màu men và cách trang trí với những họa tiết rất đời thường, giản dị |
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, trong đó cần sớm triển khai số hóa toàn bộ hiện vật gốm có trong bảo tàng và số hóa tư liệu văn hóa phi vật thể nghề gốm Bình Dương để phục vụ công tác nghiên cứu, lưu giữ và trưng bày, xây dựng phần mềm số hóa tư liệu gốm thành tài liệu điện tử được nhận diện qua phim, ảnh. Từ đó, giúp các nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh có thể tiếp cận và sử dụng tài liệu một cách nhanh chóng, chính xác và tiện lợi.
Ngoài ra, cần sớm triển khai dự án “Quy hoạch và xây dựng làng nghề gốm sứ Thuận An” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương để bảo tồn làng nghề gốm, phát huy các dịch vụ trải nghiệm làm nghề gốm phục vụ du lịch, thu hút khách, tạo học tập sinh động. Bởi những sản phẩm của làng nghề gốm sẽ góp phần nhận diện một cách chân thực đời sống và con người Bình Dương. Nó chứa đựng tình cảm, tình yêu quê hương đất nước qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ đất Thủ. Việc thực hiện quy hoạch làng nghề thủ công sẽ tạo ưu thế bảo tồn nghề gốm nói riêng và nghề thủ công truyền thống nói chung của Bình Dương – một di sản văn hóa đặc trưng khi mở rộng giao lưu trên thị trường quốc tế và mở rộng quan hệ văn hóa, nghệ thuật với các nước trên trong khu vực và thế giới. Việc bảo tồn làng nghề gốm nên gắn với phát triển du lịch làng nghề thủ công truyền thống.
Ngược lại, các làng nghề truyền thống cũng là một sản phẩm tạo nên sức hấp dẫn thu hút du khách và có những tác động mạnh mẽ trở lại đối với du lịch và người dân trong một mục tiêu phát triển chung. Tiếp tục triển khai các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu từng lĩnh vực để có những cứ liệu khoa học lịch sử, văn hóa của nghề gốm trong đời sống của cư dân Bình Dương và sự ảnh hưởng đến các vùng lân cận. Đây sẽ là nguồn tư liệu phong phú giúp cho việc nghiên cứu vùng đất và con người Bình Dương luôn phát triển sinh động. Khôi phục môi trường đào tạo mang tính chuyên nghiệp cho các thợ gốm có tay nghề chuyên sâu hơn.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể - nghề gốm ở Bình Dương gắn với phát triển du lịch là một trong những việc làm cấp bách hiện nay, cần sự đồng thuận của các cấp ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Đặc biệt, ngành văn hóa, thể thao và du lịch chú trọng đầu tư những giải pháp trước mắt sưu tầm toàn bộ tư liệu, hình ảnh nghề gốm và kết nối tạo những sản phẩm du lịch hiện hữu, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ trải nghiệm du lịch làng nghề và xây dựng đề án phát huy nghề gốm một cách lâu dài và bền vững trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng thành phố Thông minh Bình Dương.