Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Hội (công chức Tư pháp - hộ tịch xã Liên Vũ) cho biết: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
(TTPBGDPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Vì thế, để đem lại hiệu quả tích cực, xã đã cử cán bộ về các thôn, xóm, khu dân cư TTPBGDPL thông qua các cuộc họp xóm, cụm dân cư.
Nhờ vậy, các kiến thức, quy định mới liên quan đến các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đã được tuyên truyền, phổ biến trực tiếp đến người dân, giúp họ kịp thời nắm bắt. Trong quá trình tuyên truyền, người dân được cán bộ có chuyên môn giải đáp thắc mắc đối với những vấn đề còn chưa hiểu, chưa rõ, nhất là đối với các văn bản, bộ luật mới, sửa đổi như các Luật: Nghĩa vụ quân sự (NVQS), Dân quân tự vệ, Hôn nhân và gia đình, Đất đai, Khiếu nại, Tố cáo, Bộ luật Hình sự...
Trước đây nhiều người chưa nắm bắt và hiểu rõ Luật Dân quân tự vệ, Luật NVQS nên cho rằng khi đi làm ăn xa nơi cư trú thì không thuộc diện phải chấp hành, được miễn thực hiện NVQS. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, 100% người dân đã nắm bắt và hiểu rõ các quy định của pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành. Trong đó, có nhiều trường hợp đi làm ăn xa nhưng khi có lệnh điều động, điều khám NVQS đều tự giác chấp hành.
Trên thực tế, không riêng ở Liên Vũ mà 29/29 xã, thị trấn huyện Lạc Sơn, công tác TTPBGDPL luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện có hiệu quả. Phó trưởng phòng Tư pháp huyện Lạc Sơn Nguyễn Trọng Lợi chia sẻ: Những năm qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác TTPBGDPL tại cơ sở, tuyên truyền trực tiếp đến người dân với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng địa phương như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, cuộc họp tổ, xóm, phố, qua các phiên tòa xét xử lưu động...
Với cách làm đó, trong năm 2017, các ngành, đoàn thể, địa phương trong huyện đã tổ chức được 502 buổi TTPBGDPL cho 55.880 lượt người tham gia. Còn từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức được hàng chục cuộc TTPBGDPL cho hàng nghìn lượt người dân. Điển hình như Công an huyện tổ chức được gần 20 cuộc tuyên truyền; phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” cho hàng nghìn lượt người ở 29/29 xã, thị trấn. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 2 cuộc truyền thông về phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS, 1 cuộc tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, 9 cuộc tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình... Nhờ vậy đã từng bước nâng cao hiệu quả công tác TTPBGDPL ở cơ sở, tạo điều kiện giúp người dân được tiếp cận, tìm hiểu, nắm bắt các quy định, chính sách, pháp luật ngày càng tốt hơn.