Mất đất mà không biết kêu ai
Gia đình ông Bùi Văn Nhiển thuộc xóm Cuốc 2 bức xúc kể: “Gia đình tôi mất đất nhà, khi họ làm đường đi qua có được trưởng xóm thông báo là làm đường, có thấy đo đạc đường nhưng là đo đạc chiều rộng đường ra thêm bao nhiêu so với chiều rộng của đường cũ để họ làm đường chứ không thấy họ đo xem sẽ lấy bao nhiêu đất của gia đình, rộng bao nhiêu và dài bao nhiêu. Đất của gia đình tôi là đất có bìa đỏ”.
Hay gia đình ông Bùi Văn Đự thuộc xóm Khen 1, mất gần 80% đất ruộng. Từ khi đất “bỗng dưng” bị mất khiến cả nhà ông Đự đứng ngồi không yên bởi ngoài diện tích đó để canh tác ra, 5 khẩu trong gia đình không biết phải trông vào đâu để sống.
“Đất mất không đền bù đã đành, gia đình tôi cũng không được quan tâm để nhận được sự hỗ trợ gì từ chính quyền để giải quyết phần nào khó khăn. Giờ nhà không còn đất trồng trọt thì lại phải đi làm thuê để mà sống thôi, chồng và con trai cả phải ra Hà Nội làm thuê để lo cho gia đình rồi, giờ chỉ biết sống nhờ vào tiền làm thuê mà lo cho gia đình thôi” - bà Chừng vợ ông Đự ngậm ngùi.
Đáng nói, theo tìm hiểu của chúng tôi, khi dự án mở đường được triển khai không hề có bất kỳ thông báo, công văn giải thích với dân. Cá biệt chỉ là trưởng xóm “phổ biến” về việc sẽ có dự án làm đường. Dự án trên đi qua đất nhà ai thì nhà đó chịu, không có đến bù, ai có cây cối gì trên đất làm đường đi qua thì phải dọn dẹp.
“Không được hỏi về tiền đền bù, vì không có đền bù” – Một người dân thuật lại. Dĩ nhiên, sau khi nghe phổ biến như vậy, tất thảy cư dân trong vùng chỉ biết để đất của mình mất đi chứ cũng không biết nên kêu với ai, Kêu thế nào?
Văn bản duy nhất UBND xã Bình Hẻm nhận được từ Ban dự án huyện Lạc Sơn |
Chính quyền tắc trách
Để tìm hiểu vì sao dự án làm đường đi qua xã lại không có sự đền bù và chính quyền đã làm việc như thế nào với người dân?
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Chí Linh Chủ tịch UBND xã Bình Hẻm. Ông Linh cho biết, xã làm việc đúng theo công văn của UBND huyện Lạc Sơn. “Xã phụ trách triển khai dự án làm đường, tiến hành đo đạc và thông báo cho người dân về việc làm đường, theo như công văn dự án làm đường là không có đền bù thì chúng tôi cũng chỉ biết làm việc theo công văn, văn bản đã nhận.
Chúng tôi chỉ nhận được ở cấp trên một văn bản về dự án làm đường, ngoài ra không nhận thêm bất cứ chứng từ, văn bản nào về việc thu hồi đất hay giải phóng mặt bằng, chúng tôi nhận được những gì thì làm theo như vậy”.
Khi phóng viên hỏi về việc triển khai thông báo với dân về việc làm đường xã đã làm ra sao? Ông Linh trả lời “dự án này làm đường này đã được thông báo từ mấy năm nay, xã đã giao cho các trưởng xóm có trách nhiệm thông báo cho dân và cho dân biết về việc làm đường không có bồi thường. Với những gia đình kêu không biết là do họ không đi họp nên không nắm được”.
Tuy nhiên, với những câu trả lời của mình, ông Linh vẫn chưa nắm được thực tế không phải là dân không biết về kế hoạch làm đường, mà câu trả lời người dân mong nhận được là tại sao lại không có đến bù đất?
Dĩ nhiên, điều này ông Linh đã không thể giải thích. Vị chủ tịch UBND đành “đá bóng” bằng cách hướng dẫn chúng tôi sang làm việc cùng với Ban dự án của huyện. Để tìm ra câu trả lời rõ nhất, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Bùi Thanh Tùng Phó ban dự án về vấn đề này.
Qua trao đổi làm việc ông Tùng cho biết: “Dự án làm đường này thuộc danh mục dự án ưu tiên thuộc Chương trình SP- RCC của chính phủ. Dự án làm đường này là dự án dân và nhà nước cùng làm, khuyến khích người dân góp đất để làm đường. Và với vấn đề người dân xã Bình Hẻm thắc mắc là do sự sơ suất, làm việc thiếu trách nhiệm của chính quyền về công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân”.
Như vậy, với cách giải thích của ông Tùng, dự án được triển khai hoàn toàn căn cứ trên lợi ích của người dân địa phương. Tuy nhiên, nếu khách quan nhìn nhận thì cách giải thích trên chưa thực sự thấu đáo.
Nói cách khác, dù là dự án theo hướng “dân và nhà nước cùng làm” thì những vấn đề thủ tục pháp lý liên quan như: Văn bản thu hồi đất; văn bản giải giải phóng mặt bằng; biên bản giải phóng mặt bằng; những cam kết của người dân về việc hiến đất… tất cả phải được ban hành đến người dân và được thực hiện trước khi dự án được tiến hành.
Nhưng thực tế, những thủ tục pháp lý trên đều không được chính quyền cơ sở thực hiện. Câu hỏi đặt ra ở đây là, Ban quản lý dự án huyện Lạc Sơn đang thực hiện dự án theo phương châm “cần dân hiến đất” hay hồn nhiên chiếm đất của dân?.