Công văn nêu rõ, để công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản tuân thủ đúng quy định của pháp luật; ngăn chặn, xử lý, giải tỏa dứt điểm các hoạt động vi phạm pháp luật về khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các phòng, ban và UBND cấp xã triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời, giải tỏa dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn theo nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Công văn: Số 234/UBND-KTN ngày 28/01/2021, số 184/UBND-KTN ngày 13/7/2021 và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Ảnh minh họa |
Thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đặc biệt tại các khu vực, vị trí đã thực hiện giải tỏa nhưng còn tái diễn khai thác khoáng sản trái phép phức tạp, kéo dài.
Trường hợp UBND cấp huyện đã thực hiện tất cả các biện pháp thuộc thẩm quyền để giải quyết nhưng không hiệu quả, vẫn xảy ra khai thác khoáng sản trái phép hoặc vụ việc vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo, đề xuất phương án giải quyết với UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để được bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ cấp huyện giải quyết, toàn bộ kinh phí thực hiện do địa phương chi trả theo quy định.
Địa bàn huyện, thành phố nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc đã có báo cáo UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền đã xử lý, giải tỏa, không còn hiện tượng khai thác trái phép mà các cơ quan chức năng tỉnh, các cơ quan báo trí, truyền thông, người dân phản ánh, đưa tin vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (có bằng chứng cụ thể) thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
Cùng với đó, các Sở, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, lĩnh vực được giao chủ động tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại các Công văn: Số 234/UBND-KTN ngày 28/01/2021, số 184/UBNDKTN ngày 13/7/2021 và các quy định của pháp luật khác có liên quan; có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp UBND các huyện, thành phố trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; chịu trách nhiệm về các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý nếu để xảy ra vi phạm trong hoạt động khoáng sản.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trương chủ trì, làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đôn đốc, hướng dẫn, giám sát; báo cáo, tham mưu UBND tỉnh trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện.
Theo UBND tỉnh Lai Châu, thời gian qua, tại một số địa bàn của tỉnh vẫn xảy ra tình trạng hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản không tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế, cấp phép hoạt động; gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, vẫn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tại các khu vực, vị trí đã được các Đoàn kiểm tra, Tổ công tác của tỉnh, của huyện kiểm tra xử lý, giải tỏa nhưng chưa dứt điểm vẫn còn tái diễn, cụ thể như: Khai thác khoáng sản vàng gốc khu vực Chinh Sáng, xã Noong Hẻo giáp danh hai huyện Tam Đường và Sìn Hồ; vàng gốc tại các xã: Nậm Kha Á, Mù Cả, Tà Tổng, Nậm Khao, huyện Mường Tè….