Lai Châu: Xây dựng Đề án phải có hướng đi mới và mang tính khả thi cao

(PLVN) - Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng trong  Hội nghị trực tuyến về phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, diễn ra ngày 15/4.

Tham dự hội nghị trực tuyến có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đồng chủ trì, cùng với đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp trong tỉnh.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về dự thảo Đề án phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Đề án đánh giá tỉnh Lai Châu là tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp phát triển nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi đặc sản mà nhiều địa phương khác không có được như: Cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu, lúa chất lượng cao, chè…

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, tạo sản phẩm hàng hoá, nâng cao giá trị sản xuất. Đến nay đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất lúa hàng hoá, chuối, chè, quế, mắc ca, sơn tra… bước đầu mang lại hiệu quả trên đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân.

Tuy nhiên sản xuất hàng hoá của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, một số sản phẩm chưa được liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã; chưa xây dựng được nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý vv… Chính vì vậy, việc bàn thảo và ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết. 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Trang 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị: Xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hàng hoá phải có hướng đi mới và mang tính khả thi cao, cần phải làm rõ được những hạn chế, phải nhìn thẳng vào thực tế, có đánh giá về nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng, thị trường, sản phẩm chủ lực, quy hoạch vùng trồng… 

Về giải pháp, phải bổ sung giải pháp về hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc kết nghĩa với 1 số tỉnh của các nước trong khu vực qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm.

Về tổ chức thực hiện, phải thành lập được các Ban Chỉ đạo của cấp tỉnh, cấp huyện thì mới triển khai được hiệu quả. Trong đầu tư phải rõ ràng, không cào bằng, nơi nào xác định được sản phẩm chủ lực thì đầu tư vào nơi đó, có lộ trình theo năm, có thứ tự ưu tiên rõ ràng.

Bàn về Đề án phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong những năm qua tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng (gồm cả diện tích cây cao su) từ 46,4% (năm 2015) lên 50,16% (năm 2019); Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện thời sống cho người dân…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như phát triển còn thiếu tính bền vững, giá trị sản xuất chưa cao; chất lượng, trữ lượng rừng còn thấp; diện tích rừng giàu ít... Chính vì vậy việc ban hành Đề án vô cùng cần thiết với những mục tiêu nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; phát triển và nâng tỷ lệ che phủ rừng; sử dụng rừng đảm bảo mục tiêu hiệu quả kinh tế từ rừng.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia, đồng thời phải bám vào Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển rừng bền vững khu vực Tây Bắc mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo để xây dựng Đề án đúng hướng và có tính khả thi cao.

Đọc thêm