Theo Sở Công thương Lâm Đồng, thời gian qua, đơn vị này thường xuyên nhận được các phản ánh, khiếu nại vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử.
Theo phản ánh của người tiêu dùng, khi thực hiện giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, họ gặp một số vấn đề như: Đơn hàng bị hủy không rõ lý do, sau đó, có bên thứ ba liên hệ để giao món hàng đã đặt, hàng này có vấn đề về chất lượng, nguồn gốc, giấy tờ giao dịch; hàng giả, hàng đã qua sử dụng,... Nhiều trường hợp người tiêu dùng bị từ chối hoặc kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại.
Do đó, để hạn chế tình trạng lừa đảo, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng khi mua bán trực tuyến. Sở Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp và người dân nên lựa chọn các Website uy tín để hợp tác và giao dịch.
Trước khi giao dịch, người tiêu dùng nên xác định tính chính xác, mức độ tuân thủ pháp luật của website thương mại điện tử thông qua việc kiểm tra xem website đã đăng ký với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương. Với website đã hoàn thiện thủ tục đăng ký, trên trang chủ sẽ xuất hiện biểu tượng “Đã thông báo với Bộ Công thương” hoặc “Đã đăng ký Bộ Công thương”.
Khi thực hiện giao dịch trên sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng cần xác định rõ người bán, với 3 nhóm: Người bán “chính hãng”; người bán trong nước và người bán nước ngoài. Lưu ý, khi bấm vào biểu tượng logo ở trên sẽ hiện ra các thông tin về website đó. Nếu website không hiện thông tin có nghĩa là website này chưa được xác nhận.
Đặc biệt cần đọc kỹ hướng dẫn khi mua hàng từ người bán là người nước ngoài. Nếu nhận thấy quyền lợi của mình bị vi phạm, người tiêu dùng nên chia sẻ thông tin vụ việc để mọi người cùng biết và phòng tránh.
Đồng thời, phản ánh, khiếu nại tới cơ quan chức năng để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ quyền lợi. Ngoài ra, trước khi mua hàng hoá, người giao dịch nên tìm hiểu các điều kiện, điều khoản của Website để có thể đảm bảo quyền lợi của mình.