Lâm Đồng lên kế hoạch đón người dân từ TP Hồ Chí Minh trở về

(PLVN) - Ngày 30/7, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn đề nghị TP Hồ Chí Minh hỗ trợ, tạo điều kiện để đón người dân thuộc đối tượng ưu tiên trở về địa phương.
Chốt kiểm soát dịch bệnh tại cửa ngõ tỉnh Lâm Đồng.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, hiện nay, công dân Lâm Đồng đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP HCM với số lượng tương đối lớn. Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và nhằm giảm áp lực cho TP HCM trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương tổ chức đón một số công dân Lâm Đồng có nguyện vọng trở về địa phương; trước mắt ưu tiên người già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm đau và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (đã được các địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng xác nhận).

Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND TP HCM quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho công dân tỉnh Lâm Đồng đang cư trú tại TP HCM được xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 trước khi trở về địa phương; đồng thời, được phép di chuyển từ nơi cư trú đến nơi tập kết xe đón của tỉnh Lâm Đồng; bố trí địa điểm tập trung và đảm bảo an ninh trật tự để tỉnh Lâm Đồng đón công dân bằng phương tiện ô tô (các bến, bãi nhận trả khách hiện nay của Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTABUSLINES) tại TP HCM hoặc các địa điểm khác do cơ quan chức năng của TP HCM bố trí và thông báo cho tỉnh Lâm Đồng.

Đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTABUSLINES trong quá trình đưa, đón công dân Lâm Đồng tại địa điểm tập kết và di chuyển trên địa bàn thành phố.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối, phối hợp các cơ quan chức năng của TP HCM để triển khai kế hoạch đón công dân trở về địa phương. Tỉnh Lâm Đồng sẽ cung cấp cho TP HCM danh sách cụ thể của từng đợt đón công dân và phương án tập kết, đón, đưa công dân trở về địa phương.

Trước đó, Lâm Đồng đã ra văn bản yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn không tiếp nhận đối với các trường hợp tự ý về địa phương bằng phương tiện cá nhân hoặc các phương tiện khác (không liên hệ, đăng ký với chính quyền địa phương để tổ chức đón theo quy định) để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đối với lái xe vận chuyển hàng hóa thực hiện theo hướng dẫn riêng của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng về việc xét nghiệm, lưu trú tại nơi cách ly lúc không lái xe.

Ở diễn biến khác, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn. Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 được triển khai thực hiện từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022 với tổng kinh phí trên 221 tỷ đồng, gồm kinh phí cho các đối tượng ưu tiên là 23 tỷ đồng và 197 tỷ đồng dành cho nhóm từ 18 - 65 tuổi không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên, với tổng số liều vaccine dự kiến cần để tiêm là gần 2 triệu liều, gồm: phần do Bộ Y tế cấp miễn phí và ngân sách địa phương phải chi trả.

Cũng theo kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiến hành tiêm phòng tối thiểu cho 50% người từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021 và trên 70% dân số được tiêm đến hết quý 1/2022.

Theo đó, Lâm Đồng sẽ ưu tiên tiêm vaccine tại các điểm cố định và lưu động cho 16 nhóm đối tượng ở các địa phương ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng; các huyện, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và mật độ dân số cao như: Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Bảo Lâm và các huyện, thành phố có đầu mối giao thông quan trọng. Đồng thời tỉnh Lâm Đồng huy động hệ thống chính trị, tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành Y tế, lực lượng Công an, Quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

Đọc thêm