Lâm Đồng: Rừng Lạc Dương kêu cứu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ đoạn “ken cây đổ hoá chất” (dùng máy khoan khoan thân cây rồi đổ hóa chất để cây chết từ từ) rất khó phát hiện do số lượng người ra vào rừng đông, nhất là khi rừng và đất sản xuất nông nghiệp nằm giáp ranh nhau.
Việc san gạt đất tiềm ẩn nguy cơ đất bạc màu, xói mòn và phá vỡ cảnh quan.
Việc san gạt đất tiềm ẩn nguy cơ đất bạc màu, xói mòn và phá vỡ cảnh quan.

Mặt khác các đối tượng lợi dụng lúc trời tối, thời điểm ít người đi lại để thực hiện khoan cây, hành vi vi phạm này diễn ra rất nhanh nên khó phát hiện và gần như không thể bắt quả tang.

Theo ông Đồng Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lạc Dương, lực lượng Kiểm lâm Lạc Dương được giao quản lý 116.292 hecta rừng và đất rừng trên địa bàn 5 xã và một thị trấn. Mặc dù các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp những tình trạng vi phạm đất rừng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là tại các xã Đạ Sar, Đưng K’Nớ.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn huyện phát hiện 41 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó có 28 vụ phá rừng. Diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng cũng tăng lên so với cùng kỳ năm 2020.

Điều đáng lo ngại như lời ông Lâm là đối tượng vi phạm sử dụng thủ đoạn “ken cây đổ hoá chất”, tức dùng máy khoan khoan thân cây rồi đổ hoá chất để cây chết từ từ. Trên địa bàn huyện chủ yếu là rừng thông nên thủ đoạn này được các đối tượng sử dụng nhiều năm qua, chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 70%) trong các vụ phá rừng.

Thủ đoạn “ken cây đổ hoá chất” rất khó phát hiện do số lượng người ra vào rừng đông, nhất là khi rừng và đất sản xuất nông nghiệp nằm giáp ranh nhau. Mặt khác các đối tượng lợi dụng lúc trời tối, thời điểm ít người đi lại để thực hiện khoan cây, hành vi vi phạm này diễn ra rất nhanh nên khó phát hiện và gần như không thể bắt quả tang.

“Lực lượng kiểm lâm tuần tra, mai phục nhưng các đối tượng vi phạm cũng theo dõi trở lại di biến động của lực lượng chức năng. Các vụ vi phạm thường được phát hiện thông qua đấu tranh với sự vào cuộc của công an”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, sau khi cây rừng bị đổ hoá chất chết, theo quy định, lực lượng kiểm lâm phải cưa cây để thu giữ tang vật vi phạm. Đây chính là mầm mống dẫn tới hành vi lấn chiếm đất rừng khi việc cưa bỏ cây chết tạo ra khoảng trống và việc trồng lại cây thay thế không thể thực hiện ngay.

Do đó Hạt kiểm lâm Lạc Dương đã đề xuất với những cây gỗ không còn giá trị sử dụng cao thì giữ nguyên cây. Bên cạnh đó, tại các vị trí trọng điểm, lực lượng kiểm lâm đã lắp camera giám sát, nhưng do diện tích rừng quá lớn nên không thể bố trí camera toàn bộ. Khó khăn nữa là lực lượng kiểm lâm còn mỏng, chỉ với 6 kiểm lâm địa bàn và 6 cán bộ nghiệp vụ thì khó có thể tuần tra thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời hành vi phá rừng.

Một nhóm cây thông bị “ken cây đổ hoá chất” chết khô.

Một nhóm cây thông bị “ken cây đổ hoá chất” chết khô.

Ngoài ra, mặc dù trên toàn huyện có 6 Ban Lâm nghiệp xã với 157 thành viên; tuy nhiên vẫn chủ yếu là phó ban lâm nghiệp hoạt động trong công tác phối hợp tuần tra, lập hồ sơ xử lý khi kiểm lâm địa bàn đề nghị. Các thành viên Ban Lâm nghiệp chủ yếu kiêm nhiệm nên chưa thực sự phát huy vai trò trong bảo vệ rừng.

“Mô hình giao khoán rừng cho các hộ dân cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả do bình quân mỗi hộ nhận được 10 triệu đồng/năm, nên các hộ chưa tích cực trong việc quản lý, bảo vệ rừng”, ông Lâm nói.

Đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp xen lẫn giữa đất rừng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lạc Dương cho biết đang rà soát lại loại đất này. Nguồn gốc phần đất này trước đây là đất nông nghiệp dự kiến nhằm giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; tuy nhiên 4-5 năm nay đã dừng giải quyết các trường hợp này. Đối với diện tích đã được người dân sản xuất ổn định hiện vẫn cho tồn tại, đồng thời vận động người dân chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp.

Qua khảo sát thực tế của PV trên địa bàn huyện Lạc Dương, một số người dân có đất nông nghiệp nằm giữa đất rừng có dấu hiệu tự ý mở đường, san gạt đất lâm nghiệp phục vụ phân lô tách thửa rồi rao bán với giá cả tỷ đồng mỗi thửa.

Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.

Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã ghi nhận tổng số vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp được phát hiện 388 vụ, trong đó 256 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm, chiếm 65,9%, đặc biệt có tới 18 vụ nổi cộm. Cơ quan chức năng đã xử lý 321 vụ và 67 vụ đang tiếp tục xử lý với diện tích bị tác động 7,136 ha, khối lượng 171 m3 gỗ tròn; 19,546 m3 gỗ xẻ các loại và trữ lượng 217,339 m3. Tổng diện tích rừng bị tác động 33,925 ha; khối lượng lâm sản thiệt hại 1.054,509 m3 gỗ tròn; 20,752 m3 gỗ xẻ và trữ lượng lâm sản 406,475 m3.

Đọc thêm