Bà Trần Thị Mỹ Linh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng - nhấn mạnh, thực tế cho thấy sở, ban, ngành nào quan tâm đến công tác pháp chế thì chỉ số cải cách hành chính rất cao và ngược lại. Công tác pháp chế giúp giảm rủi ro trong hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh cho cả người thực hiện cũng như lãnh đạo đơn vị.
Sở Tư pháp có phối hợp thực hiện khảo sát, kết quả cho thấy phần lớn khi DN mời luật sư vào thường là khi có tranh chấp, vướng mắc pháp lý. Nếu quan tâm đến công tác pháp chế thì những rủi ro này sẽ bị triệt tiêu.
Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp, sau 10 năm triển khai thi hành, Nghị định 55 đã bộc lộ một số bất cập cần khắc phục. Điều 9 Nghị định quy định phòng pháp chế được thành lập tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Nhưng cũng Điều 9 lại quy định căn cứ vào yêu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch tỉnh quyết định việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn được thành lập theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn ngoài 14 cơ quan chuyên môn. Quy định như trên đã gây khó khăn, đề nghị nghiên cứu sửa đổi theo hướng không quy định mở, trường hợp bắt buộc thành lập phòng pháp chế thì nên quy định “cứng”.
Nghị định 55 còn có những “xung đột” với văn bản khác. Nghị định 24/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Điều 5 quy định về cơ cấu tổ chức của Sở, không quy định phòng pháp chế. Nhưng như đã nói ở trên, Điều 9 Nghị định 55 lại quy định “Phòng Pháp chế được thành lập ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh”.
Điều 12 Nghị định 55 quy định tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế bắt buộc phải có trình độ cử nhân luật trở lên. Quy định này được cho là chưa phù hợp với thực tế vì chỉ đáp ứng với một số cơ quan như Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh… còn với các ngành như KH&ĐT, VH-TT&DL... thì khó. Theo bà Linh: “Đây là tiêu chí hàng đầu nhưng để có 1 cử nhân luật với các sở, ban, ngành là rất khó. Quy định này đã sớm “phá sản”. Thực tế Sở Tư pháp đã rà soát, đề nghị các sở, ban, ngành cử cán bộ có nhu cầu học chuyên ngành luật để Sở bố trí tổ chức bồi dưỡng, nhưng không đơn vị nào có nhu cầu, bởi công tác pháp chế quá nặng so với nhiệm vụ chuyên môn họ đang làm”.
Điều 12 Nghị định 55 cũng quy định người làm công tác pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, nhưng sau 10 năm quy định trên vẫn chưa triển khai thi hành.
Thực tế nữa tại Lâm Đồng là người làm công tác pháp chế phần lớn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, trong khi lượng công việc chuyên môn nhiều. Đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm này không có thời gian để nghiên cứu sâu công tác pháp chế, dẫn tới các nội dung công việc của công tác pháp chế được quy định tại Điều 6 Nghị định 55 phần lớn đều thực hiện một cách thụ động, khi có yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên hoặc đề nghị phối hợp của Sở Tư pháp mới thực hiện… Cùng với đó là việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế khiến việc bố trí biên chế làm công tác pháp chế khó khăn.
Tại buổi tổng kết, đại diện các Sở KH&ĐT, Xây dựng, Nội vụ đều cho biết, do vướng mắc cơ chế nên không thể bố trí cán bộ chuyên trách công tác pháp chế. Công tác này đòi hỏi tính liên tục, xuyên suốt trong khi cán bộ kiêm nhiệm có thể thay đổi công việc theo phân công của đơn vị. Tại Sở Nội vụ có thành lập tổ pháp chế do một Phó GĐ làm tổ trưởng, nhưng các thành viên trong tổ đều không thể thoả mãn điều kiện tại Nghị định 55.
Lâm Đồng thống nhất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 55; nếu tiếp tục áp dụng thì cần hướng dẫn thực hiện cụ thể. Chẳng hạn phải tách bạch giữa vấn đề cán bộ pháp chế là chuyên trách hay kiêm nhiệm, nếu kiêm nhiệm thì chính sách hỗ trợ như thế nào?
Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ kết hợp với việc biên soạn và cấp phát cẩm nang pháp chế để nâng cao trình độ nghiệp vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động pháp chế.