Lam Đồng: Tòa tuyên án thiếu khách quan, dân đội đơn kêu oan

(PLO) - Cả hai cấp tòa xác định gia đình ông Nhân san gạt đất khiến nước mưa đổ xuống phía dưới gây thiệt hại tài sản cho hộ ông Hoàng, buộc ông Nhân phải bồi thường thiệt hại. Cho rằng phán quyết của Tòa không khách quan, thiếu căn cứ, gia đình ông Nhân đã “kêu cứu” đến Tòa soạn Báo PLVN.
Ông Phạm Văn Nhân cho biết khu nhà kính của gia đình ông Hoàng trước đây vẫn còn nguyên vẹn
Ông Phạm Văn Nhân cho biết khu nhà kính của gia đình ông Hoàng trước đây vẫn còn nguyên vẹn
Tại người hay tại trời?
Theo phản ánh,  khoảng giữa năm 2011, nước mưa từ 3,6ha nhà kính trồng hoa màu của các hộ dân đổ xuống tạo thành một chiếc hố có chiều rộng 20m, sâu 15m, kéo dài về phía hạ lưu 50m, lượng nước từ hố này đã kéo theo một lượng đất, đá chảy xuống vùi lấp tài sản và hoa màu trên đất thuộc khu vườn gia đình ông Đường Văn Hoàng thuê (tại tổ 43, Vạn Thành, phường 5).
Thế nhưng, gia đình ông Phạm Văn Nhân (trú tại khu phố 6, Vạn Thành, phường 5, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) bỗng bị hộ ông Đường Văn Hoàng (trú tại 05 Trần Khánh Dư, phường 8, TP.Đà Lạt) yêu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại hoa màu vì cho rằng ông Nhân san gạt đất là nguyên nhân gây ra thiệt hại trên. Tổng số tiền được ông Hoàng liệt kê buộc ông Nhân phải bồi thường lên đến gần 249 triệu đồng. Tất nhiên ông Nhân không đồng ý, ông Hoàng đưa vụ việc ra tòa.
Ngày 4/12/2012, TAND TP.Đà Lạt đã đưa vụ kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản” giữa nguyên đơn là ông Đường Văn Hoàng, bị đơn là ông Phạm Văn Nhân ra xét xử,  do Thẩm phán Lê Thị Vân làm chủ tọa phiên tòa. 
Bản án dân sự sơ thẩm số 70/2012/DS-ST ngày 4/12/2012 của TAND TP.Đà Lạt buộc: “Ông Nhân phải có nghĩa vụ bồi thường 500m2 đất trồng salem, 500m2 đất trồng bông sao tím và 2.000m2 nhà kính, thiệt hại không canh tác được trong 2 năm….” cho ông Hoàng. 
Tổng thiệt hại tài sản của ông Hoàng được Tòa tính là 205 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử (HĐXX) thì “thiệt hại một phần do trời mưa, một phần do ông Nhân tự ý san ủi đất không xin phép cơ quan có thẩm quyền” nên ông Nhân chỉ phải bồi thường cho ông Hoàng  một nửa với số tiền 102,5 triệu đồng.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, cả ông Nhân, ông Hoàng đều kháng cáo. Ngày 16/4/2013, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ tranh chấp trên ra xét xử phúc thẩm, phiên tòa do bà Vũ Thị Nguyệt - Thẩm phán làm chủ tọa. Tại Bản án số 42/2013/DS-PT ngày 16/4/2013 của TAND tỉnh Lâm Đồng quyết định: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn Nhân... buộc ông Nhân phải bồi thường 136,6 triệu đồng cho ông Hoàng cùng gần 7 triệu đồng tiền án phí.
“Phán quyết của cả hai cấp tòa đã khiến gia đình tôi hết sức thất vọng. HĐXX đã căn cứ vào trình bày của ông Hoàng và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Hoàng để xác định tài sản của ông Hoàng bị thiệt hại là do tôi san ủi đất làm thay đổi dòng chảy gây ra, trong khi không có một cơ quan chức năng nào xác nhận việc này, và HĐXX cũng căn cứ vào mục thống kê tài sản thiệt hại do ông Hoàng tự lập để buộc gia đình tôi phải bồi thường mà cũng không có cơ quan chức năng nào đứng ra thẩm định việc thống kê này có đúng hay không?” – ông Nhân cho biết.
Đâu là sự thật?
Theo ông Nhân, việc gia đình ông san gạt thửa đất để tiện bề sản xuất là có thật. Tuy nhiên, việc san gạt này không hề làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Cụ thể, mương dẫn nước nằm ở bên phải đường theo hướng từ trên xuống, trong khi thửa đất của gia đình ông lại ở bên trái đường, cách một con đường và thấp hơn mương nước khoảng 1m, không thể tác động được đến dòng chảy. 
“Những trận mưa lớn giữa năm 2011 đã cuốn theo một lượng lớn đất sạt lở ở hố sâu đã có từ cách đây nhiều năm đổ xuống vườn của gia đình ông Hoàng, không có chuyện tôi san gạt đất làm thay đổi được dòng chảy” – ông Nhân cho biết. 
Trình bày của ông Nhân phù hợp với Báo cáo số 57/BC-KT ngày 12/7/2012 của Phòng Kinh tế Đà Lạt. Báo cáo nêu rõ: “Hố đất lở có chiều rộng 20 mét, sâu 15 mét, kéo về hạ lưu 50 mét… Lượng đất sạt lở gây bồi lấp vườn ông Đường Văn Hoàng và một số diện tích gieo trồng của các hộ phía dưới hạ lưu... Nguyên nhân là do nước mưa ở toàn bộ khu vực trên 3,5ha nhà kính trồng rau, hoa phía trên đổ về hố lở. Mặt khác, khu vực này có nền địa chất pha cát, kết cấu rời rạc, không có độ dính kết nên khi mưa lớn có dòng nước đổ vào gây đất trượt, xói lở mạnh”.
Liên quan đến vụ việc, được biết trong văn bản trả lời TAND TP.Đà Lạt sau khi ký hợp đồng thẩm định giá, Công ty Cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam đã xác định: “Số lượng cũng như giá trị thiệt hại của nguyên đơn không được xác nhận của chính quyền địa phương. Khối lượng đất bị sạt lở không xác định được. Biên bản Thẩm định hiện trạng cũng không được xác nhận của bị đơn. Vì vậy không có căn cứ pháp lý để xử lý hồ sơ trên nên chúng tôi thông báo cho quý Tòa được biết để hủy hồ sơ này”. 
“Thế nhưng lạ thay, Tòa vẫn thụ lý, xét xử và đưa ra những quyết định thiếu căn cứ, không thuyết phục” và “thực tế thì nước mưa kèm theo đất làm vùi lấp khoảng 400m2 hoa màu chứ không tới 1.000m2 như trình bày của ông Hoàng. Toàn bộ nhà kính vẫn còn nguyên vẹn chứ không bị hư hỏng, diện tích nhà kính này đã được ông Hoàng sử dụng 4 năm nhưng Tòa vẫn buộc tôi phải bồi thường (nếu có thiệt hại và việc san gạt đất của ông Nhân là nguyên nhân - PV) tương đương với giá làm mới” – ông Nhân bức xúc.
Được biết, không tâm phục, khẩu phục kết quả xét xử của 2 cấp tòa, gia đình ông Nhân đã có đơn gửi Vụ 5, VKSNDTC đề nghị xem xét lại bản án đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm. Ông hy vọng sẽ tìm lại được công bằng.

Đọc thêm