Làm gì để kiềm chế nguy cơ mai một ngôn ngữ dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự phát triển không ngừng của xã hội ngày nay cùng với việc mở cửa giao lưu văn hóa trong nước mạnh mẽ. Điều này đã giúp các dân tộc thiểu số trong nước ta dần hòa nhập với cộng đồng chung nhưng lại đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng mai một về ngôn ngữ dân tộc.

Nước ta là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ. Ngoài tiếng Việt được sử dụng làm ngôn ngữ chung thì 53 dân tộc thiểu số cũng đều có ngôn ngữ của riêng dân tộc mình.

Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau mà có những ngôn ngữ được gìn giữ, bảo tồn, có những ngôn ngữ đã mai một và cũng có những ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất.

Theo số liệu thống kê dân số năm 2009, dân tộc Kinh chiếm 86,2%. Con số 13,8% được chia cho 53 dân tộc ít người còn lại. Sự giao lưu văn hóa, thông thương đã giúp các dân tộc thiểu số dần hòa nhập với cộng đồng chung nhưng cũng có nhiều tác động khiến cho văn hóa truyền thống của dân tộc này dần mai một và dẫn đến sự thất truyền.

Những người dân tộc thiểu số đang ở độ tuổi thành niên hiện nay có thể nói và viết thông thạo ngôn ngữ của dân tộc mình cũng chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn. Nhất là với những người đã và đang sống hòa nhập cùng người Kinh thì việc hòa nhập nhanh chóng với ngôn ngữ chung còn là cách nhanh nhất để đẩy lùi lạc hậu, tiệm cận với các giá trị mới.

Những nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Hàn lâm khoa học xã hội và Khoa Ngôn ngữ học, Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho thấy một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta có nguy cơ “biến mất” cao như tiếng Arem, Mã Liềng, Rục, Cơ Lao, Pa Dí, Thu Lao, Cuối, Pu Péo…

Đây hầu hết là các dân tộc có dân số rất ít hoặc ít người (từ vài trăm đến khoảng 1.000 người), đời sống xã hội rất khó khăn, không có năng lực tự bảo tồn và gìn giữ ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc mình.

Đi tìm nguyên nhân

Tại Việt Nam, nhiều dân tộc không còn chữ viết riêng, tiếng nói riêng... một phần là bởi họ quá nghèo khổ, khó khăn nên không có điều kiện văn bản hóa ngôn ngữ của dân tộc mình, phần khác là do ngôn ngữ ấy bị cô lập, không cần thiết với những cộng đồng xung quanh. Bản thân những người của dân tộc ấy muốn giao thương, làm ăn buôn bán với dân tộc khác thì phải học tiếng phổ thông. Điều đó dần trở thành thói quen và ngày càng ít người dùng tiếng của dân tộc mình để trao đổi trong sinh hoạt thường ngày. Khi một ngôn ngữ biến mất, thế giới sẽ mất đi một phương pháp tư duy, một cách nhìn nhận thế giới quanh ta.

Đặc biệt trên thực tế, câu chuyện này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà còn là vấn đề chung của thế giới. Nhiều vùng lãnh thổ khi sáp nhập vào các nước lớn đã chỉ sử dụng ngôn ngữ phổ thông của quốc gia đó, dẫn đến việc thúc đẩy nhanh hơn sự biến mất của các ngôn ngữ đại diện cho vùng miền hay dân tộc.

Một giờ học ngôn ngữ ở Trà Vinh

Làm thế nào để bảo tồn ngôn ngữ dân tộc?

Đứng trước thực trạng tiếng nói của các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, cộng đồng các dân tộc Việt Nam và Chính phủ cần phải có những chương trình hành động mạnh mẽ hơn. Ví dụ như khuyến khích, vận động nhân dân các dân tộc ở các bản làng giao tiếp hằng ngày bằng tiếng dân tộc mình; tuyên truyền, giảng giải cho đồng bào hiểu giá trị vô giá của ngôn ngữ mẹ đẻ để bà con cảm thấy tự hào, từ đó ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hoá dân tộc.

Giải pháp được nhắc đến nhiều hiện nay là việc tổ chức học song đồng ngôn ngữ Kinh và ngôn ngữ dân tộc ít người. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã hết sức chú trọng đến việc bảo tồn và giữ gìn tiếng nói các dân tộc với các dự án khảo sát và xây dựng các chiến lược lâu dài cho vấn đề này.

Điều quan trọng là cần thấy được tầm quan trọng của việc Bảo tồn tiếng nói không những là bảo tồn văn hóa, sắc thái đa dạng phong phú của một đất nước, do nhiều bộ lạc hợp lại, mà đồng thời cũng bảo tồn được ngôn ngữ cổ của ông cha. Đó cũng là một vũ khí để chứng minh nguồn gốc dân tộc và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Dẫu nhỏ bé, nhưng những dân tộc thiểu số trên đất nước ta đã có nhiều đóng góp quan trọng trong giữ gìn chủ quyền và độc lập dân tộc. Những giá trị ngôn ngữ, văn hoá bao đời được lưu giữ và phục dựng của các dân tộc thiểu số đã dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá đa sắc màu của đất nước.

Bảo vệ ngôn ngữ văn hóa dân tộc ít người là bảo vệ một tài nguyên thiên nhiên, một bảo tàng sống, một nguồn du lịch để giúp phát triển kinh tế đất nước và đánh dấu chủ quyền của đất nước. Ngôn ngữ và văn hóa dân tộc ít người cũng là một di sản phi vật thể sống động cần được bảo tồn.

Đọc thêm