Làm giàu từ mô hình trồng bí đỏ Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ông Nguyễn Thanh Thao (SN 1968, ngụ xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã xây dựng thành công mô hình trồng bí đỏ Nhật Bản, không những thu về tiền tỷ cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho hơn 400 hộ dân trên địa bàn xã.
Mỗi vụ, chuỗi hợp tác của ông Thao thu hoạch hàng ngàn tấn bí Nhật.
Mỗi vụ, chuỗi hợp tác của ông Thao thu hoạch hàng ngàn tấn bí Nhật.

Mạnh dạn thử nghiệm giống cây nhập ngoại

Cả xã Tu Tra ai cũng biết đến cái tên “Thao bí”, vì ông chính là người đầu tiên trồng bỉ đỏ Nhật trên địa bàn, cũng từ bí đỏ đã xây dựng được cơ ngơi khiến nhiều người phải nể phục.

Ông Thao quê Thái Bình, năm 1986 tham gia quân ngũ, làm lái xe ở Tây Ninh, năm 1991 về Long An, rồi năm 1994 tới Lâm Đồng, khởi đầu bằng việc trồng khoai tây Trung Quốc, duy trì được hai năm thì phải dừng do vốn đầu tư cao quá, không kham nổi.

Tiếp tục nghề làm vườn, ông Thao vay mượn nhiều nơi để có vốn đầu tư sản xuất. Năm 1998, sau một lần tham quan được mô hình trồng bí Nhật của một người bạn, nhận thấy đây là loại bí sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, hương vị ngon hơn bí nội địa rất nhiều, ông Thao quyết định thử nghiệm trên diện tích hai mẫu ruộng.

“Thời gian đầu trồng bí Nhật gặp rất nhiều khó khăn bởi phải sản xuất dựa theo những tiêu chuẩn, trang thiết bị, công nghệ của Nhật Bản. Do đó, vốn đầu tư rất cao, trước mắt là về hệ thống tưới tiêu, phân bón”.

Ông Thao chia sẻ, mô hình trồng bí Nhật đi đôi với hệ thống tưới nhỏ giọt và phân bón dạng tinh do Nhật Bản sản xuất. Thay vì dùng loại phân tinh chuyên dụng với chi phí đắt đỏ, ông Thao đã nghĩ ra cách hòa tan phân trong bồn, rồi chờ cho phần cặn lắng xuống mới tưới. Như vậy có thể tiết kiệm chi phí sản xuất, bằng cách thay thế các loại phân của Việt Nam với giá thành rẻ như NPK, Ure, thậm chí là phân xanh hữu cơ.

“Bí Nhật là loại cây thân nước, bà con mình theo thói quen lại trồng bí vào mùa mưa, hàm lượng nitơ cao dẫn đến cây bị úng, thối thân. Do vậy, giống bí này chỉ thích hợp vào mùa khô”, ông Thao chia sẻ.

Về đầu ra sản phẩm, những năm đầu, mỗi vụ sản xuất được khoảng chục tấn bí, ông phải lặn lội kiếm người để bán ra, có những Cty ông phải chào hàng, gửi bí cho họ bán thử hơn 6 tháng trời, thua lỗ mấy cũng quyết bám trụ đến cùng.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2003 ông Thao bắt đầu có những thành quả đầu tiên. Có được nguồn vốn ông mạnh dạn mở rộng mô hình thêm nữa. Năm 2010 ông thành lập chuỗi liên kết sản xuất gồm 400 hộ cùng trồng bí. Thời gian này ông cũng bắt đầu xuất khẩu bí ra nước ngoài. Có thời điểm mỗi năm chuỗi hợp tác của ông sản xuất được từ 8-10 ngàn tấn bí, giá bán tùy thời điểm dao động 10 - 30 ngàn đồng/kg, doanh thu nhiều tỷ đồng.

Ngoài việc nhập bí trái cho Cty, xí nghiệp, gia đình ông Thao còn làm thêm sản phẩm hạt bí sấy, tính riêng năm 2021 đã xuất bán được 4-5 tấn, cho giá trị kinh tế cao. Năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát, ông Thao đã nghĩ ra sáng kiến sản xuất bột bí, vừa giải quyết được vấn đề đầu ra, vừa tăng giá trị cho cây bí.

Cơ ngơi của người nông dân trồng bí.

Cơ ngơi của người nông dân trồng bí.

“Lấn sân” lĩnh vực cây cảnh

Không dừng lại ở việc trồng bí, ông Thao còn có sở thích trồng và sưu tầm cây cảnh. Hiện ông đang có hai vườn cây cảnh lớn ở Nghệ An và Lâm Đồng. Năm 2018, với 2 mẫu vườn ở xã Tu Tra, ông đầu tư trồng 1 ngàn cây thông bon sai, 2 ngàn cây hoa lài Nhật và một số loại cây cảnh khác như phượng, mai Thái... Để vườn cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao nhất, ông Thao thuê hẳn 10 nhân công để chăm sóc cây, đồng thời định hình các thế cho cây bon sai.

Theo dự tính của ông Thao, gần 2.000 cây lài Nhật có giá 600 ngàn đồng/cây giống, sau 4 năm sẽ bán được khoảng từ 5 triệu đồng/cây tùy loại. Bên cạnh đó 1.000 cây thông bon sai được ông chăm sóc từ hơn 2 năm trước cũng sẽ thu về một khoản tiền không nhỏ. Gần đây nhất, ông Thao đã thu hơn 180 triệu đồng nhờ bán 200 cây phượng cảnh.

Vườn cây bonsai hơn 2 mẫu được ông Thao gây dựng từ năm 2018.

Vườn cây bonsai hơn 2 mẫu được ông Thao gây dựng từ năm 2018.

Năm 2020, với tham vọng sản xuất quả cherry ngoại, ông Thao mạnh dạn nhập 1.000 cây giống từ nước ngoài về trồng thử nghiệm. Thời gian đầu cây phát triển tốt nhưng do thời tiết và khí hậu không phù hợp nên chảy mủ, vàng lá, mục thân rồi chết dần. Nhận thấy không có kết quả từ cherry ông Thao phải gạt tay nhổ bỏ hết số cherry đang trồng thử. “Thất bại thì mình chấp nhận thôi, có thất bại rồi mới thành công được”, ông nói.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Thao cho rằng trước tiên cần có sự đam mê, tỉ mỉ, kĩ càng, “việc chăm sóc cây cối cũng như nuôi 1 đứa con, phải hiểu được hơi thở nó ra sao mới có thể giúp nó lớn lên như thế nào”.

Đọc thêm