Làm rõ nhiều nội dung về chuyển đổi đất rừng phục vụ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

(PLVN) -  Sở NN&PTNT Lâm Đồng mới đây có văn bản đề nghị đề nghị Sở TNMT và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm rõ một số nội dung liên quan đến việc thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) mà Bộ NN&PTNT, Bộ TNMT, Bộ Công an nêu ra trước đó.

Theo đó, diện tích rừng đề nghị chuyển mục đích sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 144,78 ha rừng sản xuất. Trong đó rừng tự nhiên là 123,29 ha, rừng trồng 21,49 ha.

Theo hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối của tỉnh Lâm Đồng đã được Chính phủ phê duyệt, có tên dự án đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt mà không xác định tên dự án dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh, chưa được phê duyệt theo quy định của luật đất đai, luật quy hoạch; chưa có nội dung đánh giá sự phù hợp về nhu cầu sử dụng đất so với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết của kỳ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo quy định.

Do đó, không có cơ sở đánh giá, góp ý về sự phù hợp với 2 quy hoạch sử dụng đất. UBND tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm kiểm tra sự chính xác giữa hồ sơ và thực địa, vị trí, quy mô, diện tích, loại đất, hiện trạng sử dụng đất, hình thức sử dụng đất;... để tránh thất thoát tài sản nhà nước.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng được yêu cầu giải trình, làm rõ quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc và cập nhật nhu cầu sử dụng đất của dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 theo quy định.

Cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến khởi công tháng 10/2022. (Ảnh minh họa)

Đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Sở NN&PTNT yêu cầu báo cáo việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án; làm rõ nhu cầu sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo hồ sơ UBND tỉnh Lâm Đồng trình Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định chủ trương đầu tư dự án, diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án là khoảng 455ha (Lâm Đồng 374,16 ha và Đồng Nai 80,84 ha).

Trong đó diện tích rừng cần chuyển đổi của Lâm Đồng là 65,25 ha (rừng sản xuất). Diện tích sử dụng đất của dự án dự kiến khoảng 455,61 ha, trong đó Lâm Đồng 374,16 ha và Đồng Nai 81 ha, tăng 0,16 ha so với hồ sơ trình thẩm định chủ trương đầu tư; diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng tăng 93,27 ha thành 174,58 ha, cơ cấu các loại rừng cũng có sự thay đổi.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cũng có trách nhiệm làm rõ về các nội dung đề nghị của Bộ Công an như: Giải quyết các vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; công tác tái định cư, đào tạo nghề cho người dân có đất bị thu hồi;...

Báo cáo, làm rõ việc trồng rừng thay thế số rừng bị chuyển đổi, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; đánh giá chi tiết những vấn đề tác động của dự án với sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên, cũng như ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, an ninh, chính trị và trật tự tại địa bàn để có phương án chỉ đạo thực hiện phù hợp.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 67,3km, đi qua địa phận huyện Tân Phú (Đồng Nai) và các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻ, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) dự án khoảng 18.200 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 9.700 tỷ đồng (trước mắt, bố trí 5.000 tỷ đồng để thực hiện); vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 khoảng 9.700 tỷ đồng.

Đọc thêm