Tất bật đến những giờ cuối năm cũ
Tết âm lịch là khoảng thời gian bận nhất trong năm với chị Minh Hà (38 tuổi, sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Làm cho công ty truyền thông, khi phim Tết ra mắt, chị càng nhiều việc. 30 Tết chị mới được nghỉ trong khi con chị nghỉ học từ 26 Tết. Không có ai trông hộ, chị buộc phải mang con lên cơ quan.
7 giờ tối hai mẹ con mới ở chỗ làm về, chị tranh thủ đi mua đồ Tết, ăn uống nhanh chóng rồi dọn dẹp nhà cửa. 30 Tết chị phải sửa soạn về quê nội. Có lúc chị tưởng như kiệt sức...
Bận rộn không kém, chị Nguyễn Thùy Dung – thư ký phòng kinh doanh của một công ty vật tư ở Hà Nội nghỉ vào ngày 28-29 tháng Chạp. Thời gian đi chợ không có, chị thường sắm Tết dần vào ngày 15-27 tháng Chạp, chủ yếu mua hàng online. "Tôi hay lân la các trang facebook bán đặc sản Tết để tham khảo chất lượng, giá thành, phản hồi từ khách hàng. Sau đó, tôi tổng hợp số lượng cần mua 2 bên nội ngoại, đặt cọc và hẹn đến 24-25 thì nhận hàng. Thiếu gì thì bổ sung sau", chị Dung chia sẻ.
Vợ chồng chị Dung làm ở Hà Nội, quê ở Nghệ An, cách mấy trăm cây số. Chị nghỉ Tết muộn nên không dễ đặt vé xe. Sau nhiều năm đi lại chen chúc, chật vật quá nên vợ chồng chị quyết định về Tết bố mẹ trước hoặc sau Tết. "Theo tôi quan trọng là tấm lòng của con cái dành cho bố mẹ trong những ngày còn lại của năm. Bố mẹ tôi cũng hiểu và cảm thông cho con", chị nói.
30 Tết mới được... nghỉ Tết đã thành quen với chị Nguyễn Ngọc Anh (Minh Khai, Hà Nội). Là kế toán cho siêu thị lớn, công việc áp lực, nửa cuối năm khối lượng việc của chị nhiều gấp rưỡi. "Dịp Tết, siêu thị nhập xuất hàng nhiều hơn nên cần thống kê nhiều và phải đảm bảo chính xác. Trước lượng việc lớn như vậy, tôi buộc phải có kế hoạch Tết từ trước. May mắn, tôi có được sự hỗ trợ từ bố mẹ. Song số việc cần làm vẫn không đếm xuể", chị giãi bày.
Thích Tết, mong được nghỉ ngơi
Dù đều làm việc cật lực vào mùa Tết, lại phải lo chu đáo Tết cho gia đình, con cái, ngày cuối cùng của năm cũ cũng không có chút thảnh thơi, nhưng Chị Hà, chị Dung hay Ngọc Anh đều vẫn thích Tết.
Sống ở Hà Nội, lấy chồng cách nhà 150 km, chị Hà năm nào cũng nghỉ Tết muộn nên vợ chồng chị thường về vào 30 hoặc mùng 2 Tết. "Ban đầu gia đình nhà chồng cũng hơi buồn vì lịch nghỉ Tết muộn của con dâu. Nhưng rồi mọi người cũng hiểu và thông cảm. Trước Tết mệt mỏi là vậy mà khi về quê, được hòa trong không khí năm mới cùng người thân, mọi căng thẳng vất vả dường như tan biến", chị Hà bộc bạch.
Với chị Ngọc Anh, Tết vui nhất là được ở bên gia đình và được nghỉ ngơi. Chị kể, Minh Trang, con gái chị nói rằng muốn mẹ mình sắp xếp được công việc để quây quần sớm với gia đình, để cảm nhận không khí Tết. Con gái cũng giúp đỡ rất nhiều để chị có những ngày Tết thảnh thơi hơn.. trước Tết.
Chị Dung đặc biệt thích Tết. “Tết đến đầu tiên là được nghỉ ngơi. Một lý do nữa là Tết có tiền thưởng. Dù gì Tết cũng có thời gian đi chơi, đặc biệt là đi thăm họ hàng, bạn bè có khi cả năm hoặc vài năm mới gặp. Nếu năm cũ không như ý thì Tết coi như là kết thúc những điều không may để mở ra một năm mới nhiều hy vọng hơn", chị Dung nói.
Tuy nhiên, người phụ nữ này cho rằng không nên nghỉ Tết dài, "vì nghỉ Tết dài sẽ khiến con người mình trở nên lười biếng, sẽ mất thời gian bắt nhịp lại cuộc sống thường nhật”.