Làng bánh đa hơn 300 tuổi chạy đua với Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những chiếc bánh đa được làm từ gạo trắng, vừng đen…là niềm tự hào, đặc sản nổi tiếng 300 năm qua của làng Vĩnh Đức nói riêng và người dân xứ Nghệ nói chung. Những ngày cận Tết Nguyên đán, làng bánh đa Vĩnh Đức đỏ lửa ngày đêm để phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
Bánh đa làng Vĩnh Đức không chỉ được bán trong nước mà còn vươn mình ra nước ngoài
Bánh đa làng Vĩnh Đức không chỉ được bán trong nước mà còn vươn mình ra nước ngoài

Làng bánh đa Vĩnh Đức, tại thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương, Nghệ An) có tuổi đời hơn 300 năm. Hiện, có khoảng 400 hộ làm nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc.

Là chủ cơ sở bánh đa hơn 40 năm, bà Đinh Thị Chung cho biết, từ nhỏ đã được bố mẹ truyền lại nghề làm bánh đa nên nhiều năm qua mưu sinh và kiếm sống bằng nghề gia truyền. Công việc không kiếm được nhiều tiền nhưng ổn định và giúp tạo việc làm cho nhiều nhân công khác tại địa phương. “Bánh đa của làng chúng tôi không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được đưa đi khắp các tỉnh thành khác, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài”, bà Chung tự hào nói về nghề truyền thống.

Cũng theo chủ cơ sở này, thường ngày họ làm khoảng 1.000 cái bánh đa. Nhưng dịp Tết nguyên đán, để đáp ứng nhu cầu thị trường, họ tăng lên 1.500 chiếc mỗi ngày.

Sắc màu rực rỡ của các loại bánh đa

Sắc màu rực rỡ của các loại bánh đa

Nguyên liệu làm bánh mang thương hiệu đặc trưng của làng Vĩnh Đức cốt yếu làm từ gạo xay thành bột nước và vừng đen. Người ta sẽ xay gạo trắng thành bột gạo nước, trộn với vừng đen sau đó hấp chín rồi đem ra phơi nắng. Để tăng thêm vị thơm ngon, người ta cho thêm gừng, hạt tiêu, tỏi giã nhỏ, trộn vào bột gạo để tráng.

Để có sản phẩm bánh đa ngon, người làng Vĩnh Đức thường sử dụng gạo có độ dẻo ít, gạo thường được dùng là Khang Dân 18, gạo tẻ để tráng bánh. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, người dân tập trung tạo một làng nghề. Bánh làm xong được phơi trong khuôn viên có bờ rào sạch sẽ. Những chiếc bánh thành phẩm được người dân đóng vào từng thùng trước khi ra thị trường.

Bánh đa được làm với nhiều màu sắc như khoai môn tím hay gấc đỏ

Bánh đa được làm với nhiều màu sắc như khoai môn tím hay gấc đỏ

Chính vị cay của tiêu, vị thơm của vừng, gừng và tỏi hòa quyện nhau mang vị ngon đặc biệt cho bánh đa xứ này. Hiện sản phẩm bánh đa Vĩnh Đức không chỉ phân phối trong nước mà còn hướng ngoại như các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Singapore…

Tại cơ sở làm bánh của anh Đinh Viết Hùng (48 tuổi) các nhân công cũng tất bật, mỗi người một việc để chuẩn bị cho các đơn hàng bán Tết. Anh Hùng bảo, dịp Tết là đợt cao điểm, nên mỗi ngày cơ sở của anh phải dốc toàn lực để sản xuất khoảng 10.000 chiếc bánh bán ra thị trường. Số lượng nhiều nên anh Hùng cũng phải thuê 10 nhân công làm việc liên tục trong ngày mới đảm bảo.

Để xuất được chiếc bánh đa sang Nhật Bản, các cơ sở ở Vĩnh Đức đòi hỏi phải làm nhiều công đoạn hơn, kỹ càng hơn. Bánh đa sau khi phơi phải được ép thật thẳng để đẹp hơn, sắp xếp vào thùng gọn gàng hơn và vận chuyển được nhiều hơn.

Theo ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương làng nghề bánh đa Vĩnh Đức có từ hơn 300 năm trước, nhưng mới chỉ được công nhận làng nghề từ hơn 10 năm nay. Bánh đa Vĩnh Đức không chỉ được nhiều khách hàng tại các tỉnh, thành trong cả nước rất ưa chuộng đặt mua nhiều mà hiện cũng đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng trên cả nước.

Những ngày giáp Tết, làng nghề bánh đa Vĩnh Đức lại nhộn nhịp hơn. Để rồi, cái hương vị thơm ngon khó cưỡng của bánh đa lại tỏa đi muôn phương. Nhất là người xa quê, khi cầm chiếc bánh đa vừng trên tay không khỏi rưng rưng, bùi ngùi nhớ về vùng đất xứ Nghệ.

Đọc thêm