“Làng chuột' độc nhất vô nhị ở miền Tây

(PLVN) - Nằm nép mình bên bờ kênh Phù Dật, thuộc ấp Bình Chiến, xã Bình Long, (huyên Châu Phú, tỉnh An Giang), làng chuột Phù Dật đã tồn tại và phát triển hàng chục năm nay. Nơi đây được mệnh danh là ngôi chợ chuột lớn nhất ĐBSCL

“Làng chuột” Phù Dật không còn xa lạ gì với người dân miền Tây. Mỗi ngày tiêu thụ tầm 4 tấn chuột, vào mùa thì con số này lại tăng lên đáng kể. Địa phương này có tới hàng trăm người sống bằng nghề làm thịt chuột. Việc săn bắt, mua bán loài động vật này giúp cho họ có cuộc sống ổn định, thậm chí khấm khá, vươn lên làm giàu gặm nhấm này mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Nghề làm chuột tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân ở Phù Dật
 Nghề làm chuột tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân ở Phù Dật

Cách QL91 khoảng 500m, chạy dọc theo bờ kênh Phù Dật đã thấy đâu đâu cũng có những chiếc lồng chứa đầy chuột được bày biện hai bên. Đi khoảng vài chục mét lại có một toán người tụm lại làm chuột. Những tiếng lọc cọc phát ra từ dao, thớt, tiếng cười nói đã trở thành nhịp sống quen thuộc hàng ngày của người dân nơi đây. Cứ như vậy nghề làm chuột truyền đến đời con, đời cháu, nên hầu hết những người trong làng đều không biết cái tên “làng chuột” có từ khi nào.

Dù đã trải qua mấy mươi năm, nhưng hiện tại, làng chuột Phù Dật vẫn còn gần chục hộ dân miệt mài gắn bó với cái nghề làm chuột, vẫn còn giữ được phần nào cái không khí huyên náo của cả một khu làng sống nhờ vào chuột. Ngoài việc thu mua chuột tại địa phương, một số hộ dân trong làng còn đứng ra làm đầu mối thu mua chuột đồng do bạn hàng mang từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh về bán. Sau đó, làm thành phẩm ướp lạnh, rồi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Được mệnh danh là chợ chuột lớn nhất miền Tây, nhưng thực chất ở đây chỉ có khoảng 10 sạp chuyên mua bán, sơ chế chuột nằm sát mé kênh Phù Dật. Thậm chí nơi đây chẳng có cái nhà lồng, mái che nào, bởi đó chỉ là cái chợ dân gian. Lúc đầu, chỉ là điểm mua bán chuột tự phát, dần dần hình thành nên chợ lúc nào không biết. Theo các bậc cao niên tại khu vực này, trước đây người dân còn trồng lúa mùa, công việc rất vất vả vậy mà còn bị chuột đồng ra sức cắn phá nên ngày nào cũng ra sức diệt chuột.

Bắt về ăn không hết nên đem ra chợ bán kiếm vài đồng, dần dần thành phổ biến. Do đó, nhiều người dân dọc kênh Phù Dật thấy “dễ ăn” nên cũng bắt đầu hành nghề bắt chuột, dần dần nghề làm chuột săn chuột trở thành nghề chính nuôi sống bà con nơi đây. “Đàn ông thì ra đồng săn bắt chuột, còn khâu làm thịt chuột thường do đàn bà con gái đảm nhiệm. Bình quân mỗi ngày, họ được trả công gần 100.000 đồng cho việc làm thịt 40 - 50kg chuột”, chị Nguyễn Thị Năm vừa làm chuột vừa nói.

Chuột đồng làm sạch “phủ sóng” khắp cả nước từ Nam chí Bắc và dễ dàng chế biến thành những món ăn đặc sản
 Chuột đồng làm sạch “phủ sóng” khắp cả nước từ Nam chí Bắc và dễ dàng chế biến thành những món ăn đặc sản

Cứ sáng sớm, tầm khoảng 7 giờ thì chuột từ các nơi chứa trong rộng (lồng) sắt được chở bằng xe máy vào chợ. Có lái mua chuột và bán ngay chuột hơi tại chỗ. Có người mua chuột để mần thịt, ướp lạnh mới phân phối lại các vùng miền xa xôi như Đông Nam Bộ hay Tây Nguyên. Từ đây, thịt chuột được túa đi khắp nơi để người ta chế biến thành những món đặc sản như chuột quay lu, chuột nướng muối ớt cay thiệt là cay, chuột xào lăn, chuột nấu mẻ, chuột khìa… trong các nhà hàng, quán nhậu.

Nhờ có chợ chuột mà nhiều lao động nông thôn ở đây có việc làm cho thu nhập đáng kể. Người lớn và trẻ em đều có thể làm thịt chuột cho các vựa với thu nhập cả trăm ngàn đồng mỗi ngày. Mỗi con chuột chỉ cần đập một cái là chết tươi. Chuột chết được chất thành đống. Kế đến là đội quân chuyên làm thịt chuột, họ lột da, mổ bụng, rửa sạch rồi ướp đá. Cứ thế, hàng trăm lao động tham gia vào các công đoạn của nghề mua bán chuột, từ đi bắt, thu mua, mần thịt cho đến mang đi phân phối các nơi, tạo thành chu trình khép kín, xem như ai cũng có công ăn việc làm.

Đọc thêm