Làng di sản - câu chuyện du lịch và bảo tồn

(PLVN) - Tọa lạc trong khu phố cổ Al Shindagha ở Dubai, ngôi làng di sản Heritage Village tái hiện phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của người dân Dubai từ xưa đến nay. 

Tính đến trước dịch Covid-19, hàng năm Dubai đón khoảng gần 20 triệu lượt khách, đa phần trong số này đều muốn đến tham quan ngôi làng cổ được xây dựng từ năm 1997 này. Mô hình làng di sản đã được chứng minh tính hiệu quả đối với du lịch và bảo tồn. Đáng nói, ý tưởng này cũng đang được dần “định hình” tại Việt Nam.

 Làng di sản Heritage Village ở Dubai 

Làng di sản ở Dubai

Thành phố Dubai nằm ở phía Nam vịnh Ba Tư (bán đảo Ả Rập) cũng đồng thời là một trong bảy tiểu vương quốc thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhiều năm nay, Dubai đã trở thành một trung tâm kinh tế giàu có, được mệnh danh là “thành phố mua sắm của Trung Đông”. Nhiều tour du lịch từ Việt Nam đến thành phố này đều xen lẫn hoạt động mua sắm với hoạt động tham quan các địa điểm cổ xưa xen lẫn đương đại. Trong đó nổi bật là “Viện bảo tàng sống của Dubai” – ngôi làng di sản Heritage Village nằm ngay trung tâm Dallas trong khuôn viên Old Park City rộng lớn. 

Trên Tripadvisor - mạng lưới đánh giá điểm đến, trải nghiệm du lịch nổi tiếng, nhiều người dùng đều phản ánh những trải nghiệm ấn tượng về ngôi làng di sản của Dubai: “Miễn phí vé vào cửa”; “các toà nhà nguyên bản từ thời xưa được phục dựng”, “di dời tới đây kết hợp với những khối kiến trúc được bảo tồn tại chỗ”, “đi bộ về phía đại dương sẽ thấy những chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ, qua chợ lụa, thậm chí bạn còn thấy những con lạc đà buộc gần các nhánh sông con”. Điểm đặc biệt nằm ở chỗ ngôi làng di sản này tái hiện một cách sống động và chân thực những nét văn hóa, buôn bán, sinh sống cổ xưa nhất vùng đất này chính tại một thành phố hiện đại, xa hoa bậc nhất thế giới.

Heritage Village được xây dựng trên vùng sa mạc có nước (ốc đảo), tái hiện cuộc sống của người dân Dubai trước những năm 1950 – 1960, cũng là thời điểm họ khám phá ra lượng tài nguyên dầu hỏa khổng lồ trong sa mạc. Phát hiện này đã khiến đất nước giàu lên nhanh chóng, thay đổi diện mạo như ngày nay. Ngôi làng bao gồm một khu chợ truyền thống, một đền thờ Hồi giáo cũ và một trại di cư của người Ả Rập – nơi có những chú lạc đà nằm ngoài các túp lều vải. Làng nằm sát ven biển nên có khí hậu mát mẻ. 

Ngoài ra, trong ngôi làng có nhà trưng bày những hiện vật cổ xưa như kinh Quaran viết tay hay tái hiện những nghề lâu đời như nghệ thuật thổi thủy tinh, làm đồ gốm, đồ thủ công, kẹo bánh truyền thống, sữa khô, chế tạo các thiết bị và công cụ người cổ sử dụng... Trong phòng khám y học cổ truyền, các bác sĩ y học cổ truyền sẽ cung cấp dịch vụ khám bệnh miễn phí nếu người dân hoặc du khách đau ốm; họ chỉ phải trả tiền mua thuốc nếu cần. Đây cũng là địa điểm Sở Văn hóa và Du lịch Abu Dhabi tổ chức các lễ hội lớn nhỏ hàng năm, tạo cơ hội cho du khách đến thăm và khám phá văn hóa nơi này.

Ý tưởng “làng di sản” như Dubai Heritage Village không phải mới lạ trên thế giới. Trong bối cảnh hiện đại hóa nhanh chóng, nhiều ngôi làng và thị trấn lâu đời đã được bảo tồn một cách hiệu quả như là một điểm văn hoá – du lịch và được Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Từ Banská Štiavnica – thị trấn lâu đời nhất ở Slovakia đền ngôi làng Yangdong và Hahoe ở Hàn Quốc xuất hiện trong những bài thơ của thế kỷ 17, 18 tại nước này.

Ngoài ra còn có ngôi làng Shirakawa ở quận Gifu (Nhật Bản), làng cổ Lijiang ở Yunan (Trung Quốc), thị trấn Holašovice (Cộng hoà Séc), làng Hollokö (Hungary), trung tâm lịch sử (Phố cổ) của thủ đô Tallinn (Estonia) trên bờ biển Baltic…

Những ngôi làng và thị trấn di sản đã duy trì và bảo tồn được hàng trăm nền văn hóa, kiến trúc, nhân vật của những quốc gia này. Mô hình làng di sản cung cấp những trải nghiệm “du lịch chậm”, đưa du khách tìm về quá khứ, nguồn cội văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. 

Những ngôi nhà của người dân xa xưa trong làng di sản ở Dubai 

Bảo tồn di sản và du lịch

Tại Việt Nam, có thể nói phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An đều là những điểm đến có giá trị văn hóa – kinh tế cao, để lại ấn tượng mạnh với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nếu ghép vào mô hình làng di sản thì hai khu phố này có quy mô lớn hơn, đồng thời khó kiểm soát hơn. Đơn cử, làng di sản ở Dubai được quy hoạch như một bảo tàng sống, khai thác câu chuyện văn hóa cụ thể, với mục đích chủ yếu là bảo tồn di sản. 

Nước ta cũng có nhiều khu làng lâu đời như làng Cựu (500 năm), làng Cự Đà (từ những năm đầu thế kỷ 19), làng Ước Lễ (từ năm 1880), làng Đường Lâm (từ thế kỷ 19)… Tuy nhiên, để quy hoạch những ngôi làng này một cách bài bản vừa để bảo tồn văn hóa làng xã vừa là điểm giao thương, buôn bán, du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Nếu phát triển mô hình làng di sản, không chỉ người dân phải học cách gìn giữ nét văn hoá làng xóm, học cách làm du lịch bền vững bên cạnh các nghề mưu sinh của họ. Mặt khác, mặt hàng lưu niệm phải là những sản phẩm truyền thống, phản ánh dấu ấn bản địa, chứ không phải những mặt hàng nghèo nàn, ở đâu cũng tìm thấy được.

Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác mô hình làng di sản trong du lịch. Điển hình, vào khoảng cuối năm 2019, Hạ Long (Quảng Ninh) đã giới thiệu dự định biến tâm điểm du lịch Bãi Cháy thành “làng di sản” bên bờ Vịnh Hạ Long, với chủ đầu tư là Tập đoàn Sun Group.

Điểm độc đáo của “làng di sản” ở Bãi Cháy sẽ tập trung vào chuỗi sản phẩm truyền thống được trưng bày trong không gian mua sắm hiện đại, mang phong cách châu Âu. Đơn cử các mặt hàng như đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức, ngọc trai, đá quý hay những sản phẩm thủ công như vải thổ cẩm, lụa tơ tằm, kết hợp cùng ẩm thực truyền thống miền Bắc. Có thể hiểu, đây là một ý tưởng xây dựng “làng di sản” pha trộn nét truyền thống và hiện đại.

Một điểm thuận lợi là vị trí “ngôi làng” gần với Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long – nơi thường xuyên đón các con tàu 5 sao cập bến, đồng thời nằm trên con đường giao thương huyết mạch Hạ Long, gần các tổ hợp vui chơi giải trí, các khu nghỉ dưỡng. Như vậy, đây sẽ là một giải pháp “lợi cả đôi đường” cho cả người làm du lịch, du khách và người làm văn hóa, cư dân bản địa.

Mô hình làng di sản "châu Âu thu nhỏ" bên bờ Vịnh Hạ Long 

Thiết nghĩ, ý tưởng sáng tạo nếu thành công sẽ dễ dàng lan tỏa. Cũng như thí điểm “phố đi bộ” tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn nay đã lan tỏa trên toàn quốc. Gần như tỉnh, thành nào cũng xuất hiện mô hình này bởi tính hiệu quả của nó. Trở lại với vấn đề đã nêu, trong nhiều năm qua, dù đã có nhiều hội thảo, ý kiến, đề xuất về làng nghề - du lịch, làng di sản – du lịch nhưng mô hình này vẫn chưa thực sự “định hình” ở Việt Nam, mới chỉ manh mún tại nhiều địa phương.

Không phải ngẫu nhiên mà hàng năm các khu di sản có sức hút to lớn đối với du khách. Đặc biệt, các di sản thế giới được UNESCO công nhận đều đã thông qua khảo sát, tuyển chọn kỹ lưỡng theo các quy định của Công ước 1972 về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới. Theo đó, di sản thế giới là những khu vực có giá trị nổi bật về cảnh quan tự nhiên, văn hóa, kiến trúc độc đáo và hệ sinh thái đa dạng, phong phú.

Theo thống kê mới nhất, trên thế giới hiện có 1.121 di sản được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới, trong đó có 869 di sản văn hóa, 213 di sản tự nhiên và 39 di sản hỗn hợp. Việt Nam sở hữu khoảng trên 3.000 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia trải dài trên cả nước, trong đó có 8 di sản thế giới, gồm 4 di sản văn hóa, 3 di sản tự nhiên và 01 di sản hỗn hợp. 

Từ lâu, di sản đã được coi là nguồn tài nguyên quan trọng cho phát triển du lịch và ngược lại nguồn thu từ du lịch góp phần bảo vệ di sản, bảo tồn văn hóa, tạo sinh kế cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

Nhìn từ những mô hình “làng di sản” đã xuất hiện trên thế giới, vấn đề cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan trong khu di sản đều được các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp lên kế hoạch kỹ lưỡng, quản lý chặt chẽ, lấy bảo tồn làm trọng điểm, không vì lợi nhuận đánh đổi môi trường, vừa phát triển du lịch vừa đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương. 

Đọc thêm