Lỗi “đem con, bỏ chợ”?
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tính đến ngày 31/12/2019, trên phạm vi cả nước có 15.276 công trình với tổng giá trị nguyên giá 22.548 tỷ đồng. Trong đó có 12.870 công trình sau khi được nhà nước đầu tư từ nguồn ngân sách đã được bàn giao cho UBND cấp xã quản lý (chiếm 84,2%), 1.908 công trình giao cho Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh quản lý (chiếm 12,4%), số còn lại -498 công trình, được giao cho các doanh nghiệp sử dụng.
Theo kết quả kiểm tra, trong thời gian qua, các đối tượng được giao quản lý công trình chủ yếu thực hiện theo phương thức tự khai thác (cấp nước, thu tiền nước), còn việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình đơn vị được giao quản lý tự tổ chức thực hiện. Vì vậy, hàng chục ngàn công trình được giao cho UBND cấp xã và cộng đồng quản lý chủ yếu áp dụng phương thức sửa chữa nhỏ do không có cán bộ chuyên môn theo dõi mà chỉ mang tính chất trông giữ công trình, không có kinh phí sửa chữa nên xuống cấp, hư hỏng nhanh.
Đáng lo ngại, qua kiểm tra, rà soát của Bộ Tài chính cho thấy, đến nay chỉ có khoảng 33,3% trong số 15.276 công trình được xem hoạt động là có tính bền vững, số còn lại 37,9% hoạt động trung bình, có trên dưới 5.000 công trình chiếm khoảng 28,6% được cho là hoạt động kém hiệu quả hoặc không còn hoạt động.
Các công trình cấp nước nông thôn chủ yếu được đầu tư nguồn ngân sách nhà nước hoặc có vốn ngân sách nhà nước. Theo quy định hiện hành, cơ quan được giao quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch ở khu vực nông thôn là Bộ NN&PTNT. Bộ Tài chính được giao hướng dẫn, chỉ đạo việc quyết toán, đánh giá tài sản đối với công trình cấp nước đã đầu tư, xác định giá trị tài sản giao vốn cho doanh nghiệp.
Còn nhiều bất cập…
Theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BXD ngày 13/9/2018 của Chính phủ về và tiêu thụ nước sạch (hợp nhất Nghị định 117/2007NĐ-CP ngày 11/7/2007 và Nghị định 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011) , UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung cho các đối tượng quản lý với yêu cầu đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp khi giao công trình tương ứng với quy mô hoạt động và thực tế tại địa phương.
Trong quản lý sử dụng, các đối tượng được giao thực hiện việc khai thác (cấp nước, thu tiền nước) theo quy định của UBND cấp tỉnh, có trách nhiệm trích khấu hao, hao mòn tài sản, thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa công trình và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước. Trường hợp việc trích khấu hao công trình làm cho giá thành nước sạch cao hơn giá bán quy định của UBND cấp tỉnh thì sẽ được cấp bù từ ngân sách trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, kết quả rà soát mới được Bộ Tài chính công bố cho thấy việc quản lý các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đang còn rất nhiều vấn đề bất cập. Có một thực tế, do hiện chưa có quy định cụ thể về tiêu chí giao công trình gắn với điều kiện KT-XH và đặc điểm vùng miền nên nhiều địa phương thường có tình trạng lựa chọn các công trình tốt, tập trung tại các khu đô thị, hoạt động hiệu quả giao cho doanh nghiệp, các công trình không tốt và kém hiệu quả giao cho UBND cấp xã và Trung tâm nước sạch đảm trách. Việc làm này, Bộ Tài chính đánh giá là chưa đảm bảo khách quan, minh bạch.
Một bất cập khác, việc xác định giá trị công trình để giao theo nguyên tắc giá trị còn lại của nguyên giá ban đầu, không đánh giá lại giá trị thực tế nên giá trị công trình giao thường cao hơn giá trị thực tế sử dụng của công trình, cộng với việc chi phí đầu tư cho nhà máy cấp nước nên tổng giá trị công trình lớn, trong khi thu hồi được nguồn vốn để có lãi, duy trì công trình hoạt động bền vững phải mất nhiều năm.
Bên cạnh đó, cơ chế cấp bù giá nước sạch ngân sách nhà nước cấp bù trong trường hợp giá thành nước sạch cao hơn giá bán nước cho UBND cấp tỉnh quy định mặc dù đã được quy định rõ; tuy nhiên trong thực tế hầu như không thực hiện việc cấp bù theo quy định. Điều này là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc bố trí kinh phí bảo trì, duy tu công trình của các đối tượng được giao quản lý hiện nay.
Chỉ có 49% số dân nông thôn được sử dụng nước đạt chuẩn
Thống kê cho thấy, mức tiêu thụ nước sinh hoạt bình quân khoảng 115 lít/người/ ngày đêm. Tại khu vực nông thôn khoảng 91,5% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong đó, chỉ có 49% số dân được sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02:2009/BYT, khoảng 43,5% dân số nông thôn được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 56,5 % dân số nông thôn còn lại hiện nay vẫn chỉ được cấp nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.