Làng Quỳnh Đôi - Địa linh nhân kiệt nơi địa đầu xứ Nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quỳnh Đôi nổi tiếng là cái nôi văn hóa lâu đời, có truyền thống hiếu học. Từ xa xưa trong dân gian đã truyền tụng: “Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi” hay “Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa/Ông nghè, ông cử như hoa vườn Quỳnh”… để nói về cái sự học của làng Quỳnh được biết đến như một trong những làng Khoa Bảng nức tiếng nhất nước.
Đình làng xã Quỳnh Đôi
Đình làng xã Quỳnh Đôi

Làng văn hóa, làng cách mạng

Làng Quỳnh Đôi nằm giữa huyện Quỳnh Lưu thuộc tỉnh Nghệ An. Theo lịch sử được ghi chép lại, vào giữa thế kỷ XIV, các Cụ: Hồ Khai, Hồ Hồng, Nguyễn Thạc và Cụ Hoàng Khánh cùng nhau đến đây khai cơ, lập ấp đặt tên là “Thổ Đôi trang”. Sau một quá trình mở mang đất đai, xây dựng trang ấp, bắt đầu từ năm 1378 đời Trần Xương Phù cho đến năm 1528, thời nhà Mạc, Thổ Đôi trang được đổi tên là thôn Quỳnh Đôi như ngày nay.

Làng Quỳnh Đôi có truyền thống văn hoá và cách mạng và là làng có hương ước đầu tiên trong cả nước (năm 1638). Đây cũng là quê hương tổ tiên vua Quang Trung Nguyễn Huệ (Hồ Thơm), vua Hồ Quý Ly, nhà thơ Hồ Xuân Hương. Theo nghiên cứu của 2 tác giả Phan Hữu Thịnh- Hồ Sĩ Bằng trong cuốn “Rạng danh Quỳnh Đôi”, làng Quỳnh Đôi có những sắc thái văn hóa rất nổi bật.

Người trong các gia tộc của làng Quỳnh Đôi mỗi khi làm việc gì cũng đều lo toan vì cha mẹ, vì ông bà tổ tiên mà giữ gìn thanh danh, tốt hơn là làm rạng danh gia tộc. Ngược lại người đi trước thường sống và làm việc vì con vì cháu hơn vì mình, lấy sự thành đạt của con cháu làm niềm vui, làm hạnh phúc cho bản thân mình. Sắc thái này còn thể hiện trong sự thờ cũng gia tiên, gìn giữ mồ mả ông cha mà mỗi gia đình, mỗi dòng họ trong làng đều tiến hành rất trang trọng.

Văn hóa làng Quỳnh Đôi được bắt nguồn từ văn hóa của dòng họ. Đây là chất keo cố kết với làng, làng với nước, nước với nhà, tạo nên một khối bền vững, một sức sống dài lâu của cả làng, cả nước. Làng Quỳnh Đôi là một cộng đồng các dòng họ, từng dòng họ không kể lớn nhỏ đều làm cho diện mạo văn hóa làng trở nên sinh động phong phú.

Sắc thái văn hóa làng Quỳnh Đôi còn được thể hiện đậm đà ở truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Về thời gian, người làng tham gia đấu tranh yêu nước từ buổi khai cơ cho đến nay, liên tục không bao giờ đứt quãng. Về không gian, người làng Quỳnh Đôi tham gia đấu tranh yêu nước không chỉ ở quê nhà mà còn ở nhiều miền của đất nước.

Khoảng thời gian 646 năm tính từ buổi khai cơ cho đến nay là một bản trường ca hùng tráng về tâm hồn và khí phách của bao thế hệ người làng Quỳnh Đôi, đã biến Thổ Đôi trang ngày xưa thành một xã anh hùng, một làng văn hóa ngày nay. Đất nước mãi ghi tên những chí sĩ yêu nước xuất thân từ làng Quỳnh như ông Văn Đức Giai, Hồ Bá Ôn, Hồ Ngọc Lãm, Hồ Tùng Mậu, Hồ Viết Thắng, Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên Cù Chính Lan…

Lịch sử đã ghi lại vào năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh của Nam Kỳ, ông Văn Đức Giai mộ quân vượt biển vào Nam đánh giặc. Sau đó, ông lại ra Bắc chỉ huy chiến đấu chống giặc tay sai của Pháp và hy sinh năm 1864; Vào năm 1883, lúc Pháp đánh chiếm bắc Kỳ lần thứ 2, ông Hồ Bá Ôn đã tham gia quyết chiến giữ thành Nam Định và đã anh dũng hy sinh; ông Hồ Ngọc Lãm quyết định Đông du vào năm 1906 và sáng lập Việt Nam độc lập đồng minh hội, chủ nhiệm Việt Minh hải ngoại biện sự xứ; ông Hồ Tùng Mậu sáng lập tổ chức Tam nhân đồng tâm xã (Tam tân xã), thành viên của hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1930, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, ông hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vào năm 1951; Ông Hồ Viết Thắng, tham gia cách mạng từ năm 1936 bị tù ở Buôn Ma Thuột, giữ chức vụ Bí thư huyện ủy, bí thư Tỉnh ủy lúc tuổi xấp xỉ 30, ủy viên Trung ương Đảng vào lúc 33 tuổi…

Rạng danh làng Khoa bảng

Hơn 6 thế kỷ đã qua, bức tranh văn hóa làng Quỳnh Đôi vẫn luôn sống động đổi thay nhờ nhiều động lực, trong đó có động lực được tạo ra từ việc học hành khoa cử. Theo người làng Quỳnh Đôi, trãi qua hơn 6 thế kỷ phải khai phá, bồi đắp, đồng đất làng cũng không thể rộng thêm được nữa khi dân làng ngày một đông đúc hơn. Chính từ thế khó này mà người làng Quỳnh Đôi đã phải tự vượt lên giới hạn đồng đất quê nhà bằng chính trí tuệ và tài năng của mình.

Thắp hương tại nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi.

Thắp hương tại nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi.

Nhưng chỉ làm ruộng là không đủ sống, do đó phải mở ra một nghề khá đặc biệt, nghề đi học để rồi “Tiến vi quan, thoái vi sư”. Chuyện học hành khoa cử của người làng Quỳnh thật đáng ngưỡng mộ. Làng Quỳnh Đôi thời phong kiến được ghi nhận có tới 12 tiến sỹ, 92 bảng nhãn, 210 cử nhân, 823 Tú tài.

Khi chuyện học, thi không để làm quan nữa, người làng Quỳnh vẫn cứ chọn việc học là hoạt động chính, là việc quan trọng nhất của làng. Lúc này, nội dung học, mục đích học đã đổi khác – học không phải là để làm quan, mà là để làm người, sau đấy là làm nghề - nghề dạy học và các nghề kỹ thuật khác.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công đến nay, người làng Quỳnh Đôi khẳng định việc học mang lại lợi ích lớn nhất cho từng gia đình và cả làng nói chung vì thế chuyện học vẫn được quan tâm nhiều nhất. Tính trong giai đoạn này làng Quỳnh Đôi có 21 Giáo sư, Phó Giáo sư; 2 viện sỹ quốc tế; 56 tiến sỹ; gần 100 thạc sỹ.

Chuyện thành danh của người làng Quỳnh Đôi trong lĩnh vực chính trị từ khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đến nay cũng rất ấn tượng. Về chính trị cấp quốc gia, làng Quỳnh Đôi đã sinh ra cho đất nước 5 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng qua các thời kỳ, trong đó có 2 ủy viên Bộ chính trị; 9 đại biểu Quốc hội; 11 Bí thư, Phó bí thư tỉnh ủy; 15 Bộ trưởng, Thứ trưởng và 6 tướng lĩnh, 31 tỉnh ủy viên…

Học hành là một công việc, một nét văn hóa đặc biệt của người làng Quỳnh Đôi. Nhờ học hành mà người làng Quỳnh Đôi đã tiếp thu và truyền bá được những kiến thức cần thiết, có vai trò động lực thúc đẩy mọi hoạt động kinh tế-xã hội của làng, từ mở mang ngành nghề, làm quan, làm thầy học, thầy thuốc, đến làm văn chương, học thuật, buôn bán… Làng Quỳnh Đôi nhờ đó mà vượt qua đói nghèo trở nên một làng văn hóa nổi tiếng xưa nay, đóng góp đáng kể nhân tài nhiều mặt cho quê hương, đất nước. Đó là đỉnh cao được nhiều thời thừa nhận.

Nhiều con tên tuổi nổi tiếng của người Quỳnh Đôi vì thế mà đã được nhiều địa phương lấy để đặt tên đường, tên phố như một cách tri ân, ghi nhận công lao đóng góp của những cá nhân này cho đất nước, cho dân tộc. Ở TP Vinh hiện nay có 10 con đường, TP Hồ Chí Minh có 5 con đường và ở Hà Nội có 3 con đường mang tên những nhân vật nổi tiếng sinh ra từ Làng Quỳnh Đôi như: Hồ Xuân Hương, Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan, Phạm Đình Toái, Hồ Ngọc Lãm...

Tiếp nối truyền thống đã được cha ông gây dựng hàng trăm năm qua, các thế hệ của làng Quỳnh Đôi vẫn đang tiếp tục giữ tinh thần hiếu học của quê hương và khẳng định vốn tri thức, tài năng của mình. Văn hóa làng Quỳnh Đôi vẫn đang đơm hoa kết trái, sinh thành những nhân vật tiêu biểu, tiếp tục làm rạng danh cho làng. Người làng Quỳnh Đôi tự hào nói rằng, sự phát triển của làng đi theo đường xoáy trôn ốc như vậy cũng là điềm lành, phúc ấm hợp lý như một quy luật.

Đọc thêm