Đây là hoạt động thường niên được UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) tổ chức vào dịp 19/1 hằng năm.
Ông Võ Ngọc Đồng, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết, đây là dịp để thế hệ hôm nay ghi nhớ, biết ơn các thế hệ trước, trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, nhất là những nhân chứng từng sống, làm việc và công tác tại quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).
|
Ông Võ Ngọc Đồng (bên phải) - Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) thăm quà tặng quà cho nhân chứng Hoàng Sa. |
Ông Lê Đình Rê, nhân chứng tại Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ trên tàu cứu hộ các tàu chiến trong trận Hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974, xúc động cho biết, mình thật sự rất hạnh phúc khi hằng năm được gặp gỡ lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa và kể về những năm tháng sinh sống, làm việc trên quần đảo Hoàng Sa. Đó là khoảng thời gian không thể nào quên.
“Tôi và vợ bây giờ vẫn còn nhớ khoảng khắc tiễn biệt gia đình ra quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Thời điểm đó vợ tôi đang có bầu và khóc rất nhiều nhưng biết rằng đó là trọng trách cao cả bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước nên dặn lòng cố gắng để tôi an tâm làm nhiệm vụ. Tôi ước mơ một ngày nào đó lại đượcra khơi, có mặt ở Hoàng Sa. Dù lúc đó không còn sức, phải nằm lại Hoàng Sa, tôi cũng cam lòng", ông Rê chia sẻ.
|
Đoàn công tác cũng đã lắng nghe những câu chuyện trong quá trình bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 mà ông Rê là người chứng kiến. |
Được biết, hiện nay có 23 nhân chứng Hoàng Sa tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Danh sách nhân chứng Hoàng Sa ngày càng ngắn dần nhưng tình yêu đối với quần đảo Hoàng Sa thì không bao giờ lãng quên theo thời gian.
Trước đó, ngày 18/1, UBND huyện Hoàng Sa do ông Lê Phú Nguyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa dẫn đầu đã đến thăm 6 gia đình nhân chứng đang sinh sống tại tỉnh Quảng Nam và 3 gia đình nhân chứng tại thành phố Đà Nẵng.