Lạnh gáy nghe chuyện dinh thự ma ám LaLaurie

(PLVN) - Hơn 150 năm và trải qua dinh thự LaLaurie (Hoa Kỳ) luôn được xem là địa điểm ma ám nổi tiếng nhất và đáng sợ nhất. Đây từng là nhà của các chủ nô tàn ác Delphine LaLaurie, người đàn bà được mệnh danh “Nữ chủ nô khát máu nhất Lousiana”.
Bức ảnh bà LaLaurie - chủ nhân ngôi biệt thự và các con chụp 150 năm trước.

Người đàn bà 3 đời chồng 

Delphine LaLaurie sinh vào khoảng năm 1775, một trong năm người con của Barthelmy Louis Macarty, là một thương gia người Ireland. Mẹ Delphine LaLaurie là Marie Jeann - một người đã từng có tới hai đời chồng trước khi cưới ông Barthelmy. Cả gia đình chuyển qua định cư tại New Orleans khi tình hình kinh tế ở Ireland trở nên khó khăn.

Cuộc đời LaLaurie kết hôn 3 lần trong đời. Ngày 11/6/1800, Delphine LaLaurie kết hôn với Don Ramon Lopez de y Angullo - một sĩ quan cấp cao trong quân đội Tây Ban Nha đang cư trú ở New Orleans. Ngay sau kết hôn, sự nghiệp của Don Ramon lên như diều gặp gió, ông được bổ nhiệm làm đại sứ của Tây Ban Nha tại Mỹ và hưởng mức lương vô cùng cao lúc bấy giờ.

Từ đây, cuộc sống của LaLaurie ngày càng sung túc, sung sướng, dựa vào tiếng tăm và tiền tài của chồng, bà mua về nhiều bất động sản, đồn điền, nô lệ. Giới thượng lưu trong vùng kính nể và khâm phục tài năng kinh doanh, cùng sắc đẹp của LaLaurie. Nhưng năm 1804, người chồng Ramon bỗng mắc một căn bệnh lạ lùng và chết ở Tây Ban Nha, để lại cho LaLaurie một khoản tiền thừa kế khổng lồ và cô con gái nhỏ.

Năm 1808, LaLaurie kết hôn với Jean Blanque - một chủ ngân hàng nổi tiếng. LaLaurie cùng ông Jean sinh được bốn người con nhưng sau đó, người chồng này cũng chết bất đắc kỳ tử vào năm 1816.

Khu dinh thự LaLaurie.  

Tưởng chừng bà sẽ ở góa suốt đời thì chỉ ít lâu sau, LaLaurie đã cưới một bác sĩ tên Leonard Louis Nicolas LaLaurie. Leonard trẻ hơn LaLaurie rất nhiều và có nhiều tin đồn cho rằng, ông ta cưới bà chỉ vì thèm khát đống tài sản kếch xù mà người vợ đang có. Năm 1832, LaLaurie quyết định mua một biệt thự tại số 1140 phố Royal và tại đây, cơn ác mộng thật sự với nhiều nô lệ vô tội bắt đầu.

Được biết, LaLaurie được xem là một chủ nô rất giàu có thời bấy giờ, nắm trong tay hơn 100 nô lệ. Thế nhưng không chỉ bóc lột, đánh đập các nô lệ của mình, LaLaurie còn thực hiện lên họ những thí nghiệm ghê tởm, khiến không ít người phải nôn ọe khi nghe đến. Sự tàn ác của mụ này chỉ được điều tra vào các năm 1828, 1829 và 1832, khi mụ phải ra hầu tòa cho những hành động của mình.

Nhiều hàng xóm của LaLaurie từng nhìn thấy một vài nô lệ bị treo lên và đánh đập thậm tệ chỉ vì vài lỗi vặt như làm rơi đồ. Một cô bé nô lệ 12 tuổi tên là Lia đã phải nhảy lầu tự sát trước sự dã man và tàn bạo của LaLaurie nhưng mọi người chỉ cho rằng, đó là do cô nhỏ quá bất cẩn mà thôi. Vụ việc này tới tai thẩm phán của địa phương và ông quyết định trừng phạt LaLaurie bằng cách phạt tiền và ép bà phải giải phóng cho 9 nô lệ dưới quyền.

Các con gái của bà cũng bị bạo hành, LaLaurie trong một lần phát hiện những đứa con thân yêu lén cho nô lệ đồ ăn, quần áo đã thẳng tay đánh đập dã man. Hai người con của bà vì không chịu nổi đã bỏ nhà đi biệt tăm. Người chồng trẻ cũng chán nản trước sự độc ác của bà vợ già nên dọn ra sống riêng với một nhân tình trẻ đẹp. Điều này càng làm cho Delphine ngày một trở nên điên rồ.

Chân dung "chủ nô khát máu" Delphine LaLaurie. 

Được biết, LaLaurie có riêng một gian phòng để sưu tầm và cất giữ những công cụ tra tấn. Vào thế kỷ 19, người ta có thể mua những vật dụng như thế này đơn giản như mua đồ trong siêu thị bây giờ và nó tạo điều kiện để người đàn bà độc ác này trở thành đồ tể khét tiếng nhất lúc bấy giờ. Công cụ tra tấn nổi tiếng của bà ta là một cây kẹp sắt, dùng để kẹp vào cổ nạn nhân. Kinh khủng ở chỗ, khi người bị kẹp cổ càng cố gắng thở thì cây kìm sẽ siết càng chặt và cái chết từ từ trong đau đớn là không tránh khỏi.

Thậm chí, để chắc chắn rằng người đầu bếp già đã phục vụ cho gia đình mình trong suốt hàng chục năm không chạy trốn, LaLaurie đã xích bà này vào bếp lò của căn biệt thự. Nhưng trớ trêu ở chỗ, người đầu bếp đó đã tự sát bằng cách nhóm lửa cho chiếc bếp và thông qua đó, biến cả căn nhà ra tro. Chính từ đây, sự tàn nhẫn của LaLaurie mới được phô bày cho toàn bộ thành phố New Orleans.

Tội ác bại lộ

Đám cháy tại biệt thự của bà Delphine LaLaurie xảy ra vào ngày 10/4/1834. Khi lực lượng cảnh sát tới nơi để kiểm soát đám cháy, họ phát hiện ra ngọn lửa xuất phát từ bếp nên nhanh chóng tiến vào trong để dập tắt.

Tại đây, trước mắt họ là cảnh một nữ nô lệ da đen đang được treo ngược lên trên không, đáng sợ hơn, sợi xích luồn, xuyên mắt cá chân của người đàn bà tội nghiệp. Cô hoảng hốt nói với cảnh sát rằng, chính mình đã làm ngọn lửa trong bếp lò lan ra ngoài để có người tới cứu mình.

Sau khi dập tắt đám cháy, cảnh sát lục soát khắp căn nhà và tìm thấy vô số thứ kinh dị đến rợn người. Tại gác mái, rất nhiều nô lệ thương tật đầy mình đang bị xích vào các bức tường hoặc trên sàn.

"Chủ nô khát máu" Delphine LaLaurie và những bằng chứng tố cáo tội ác man rợ của mụ ta.   

Môi của họ bị khâu chặt lại, một số khác bị cắt lưỡi nên không thể nào kêu cứu được… Không ít nô lệ đã chết và thân thể họ được tạo hình lại như con cua, con bướm hay một người đàn ông là nạn nhân của cuộc phẫu thuật giới tính kì lạ... Các nạn nhân còn sống được đưa tới bệnh viện ngay lập tức nhưng sau đó cũng chết dần vì vết thương nhiễm trùng quá trầm trọng.

Cũng trong đêm đó, người dân New Orleans phẫn nộ vô cùng, họ kéo tới nhà của LaLaurie quyết tâm trừng phạt con quỷ đội lốt người. Cảnh sát phải ra tay can thiệp nên cuộc xô xát hỗn loạn đã xảy ra. Tận dụng cơ hội này, LaLaurie nhanh chóng trốn thoát.

Cuối cùng bất chấp các bằng chứng rõ ràng về tội ác của LaLaurie, bà này vẫn trốn tránh được bản án dành cho mình nhờ danh tiếng và quyền lực của chồng mình. Hầu như không ai biết, phần đời tiếp theo của Madame LaLaurie như thế nào. Nhiều người tin rằng LaLaurie đã tẩu thoát đến Alabama trước khi đến Paris, nơi bà ta sống hết phần đời còn lại trong tự do.

Ngôi nhà bị nguyền rủa

Sau khi LaLaurie trốn khỏi nhà của mình tại 1140 Royal Street, căn biệt thự kinh hoàng nói trên đã bị bỏ hoang trong suốt nhiều năm. Mãi cho đến khi một người chủ mới mua lại ngôi nhà này, ông ta phát hiện thấy nhiều tiếng kêu khóc thảm thiết của những người nô lệ bị tra tấn. Ám ảnh với điều này, ông ấy đã rời khỏi ngôi nhà chỉ sau 3 tháng.

Một thời gian sau, ngôi nhà trở thành nơi ở của Jules Vigne, một người ẩn dật giàu có, lập dị và ông này đã sống tại đây cho đến khi qua đời vào năm 1892. Thi thể của ông được phát hiện trong tình trạng "bẩn thỉu, nằm gọn lại trong một chiếc cũi chó nhỏ xíu". Bộ sưu tập đồ cổ cũng như các vật có giá trị khác được cất giấu cũng được phát hiện trong ngôi nhà, nhưng không kẻ trộm nào dám bén mảng đến đây.

Cuối cùng, ngôi nhà đã được chuyển đổi thành một tòa nhà chung cư giá rẻ. Nhưng cuộc sống của người dân thường xuyên bị xáo trộn và phải dọn đi, khu vực này tiếp tục bị bỏ hoang. Nhiều người nói rằng, họ đã nhìn thấy một nô lệ trần truồng, bị xiềng xích rồi biến mất chớp nhoáng trong không khí. Bên cạnh đó, họ cũng nói là tìm thấy dấu vết của các cuộc hiến tế súc vật và trẻ em đẫm máu trong khu vực này.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó có thể chỉ là những lời đồn, còn người sống trong những căn nhà này bị ám ảnh bởi những câu chuyện xưa cũ. Hiện nay, ngôi nhà đang được cải tạo lại lần nữa để trở thành một nơi phù hợp hơn cho người ở. 

Đọc thêm