Lập Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại Cần Thơ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một điểm mới, nổi bật trong dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là lập Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Giao thông trên sông Hậu. (Ảnh minh họa)
Giao thông trên sông Hậu. (Ảnh minh họa)

Tại Phiên họp 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 10/12, báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Dự thảo Nghị quyết đề xuất cho phép thành phố Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp; Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ được ban hành phí, lệ phí chưa có trong Danh mục, điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định…

Thẩm tra dự thảo, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng về quy định phí, lệ phí, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trong triển khai cần bảo đảm nguyên tắc: Có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm công khai, minh bạch…

Một cơ chế đặc thù mới, nổi bật trong dự thảo Nghị quyết là lập Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Theo đó, Khu liên kết do Thủ tướng thành lập, có ranh giới địa lý, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khu liên kết được hưởng ưu đãi: Ưu tiên về thủ tục hải quan; ưu tiên về thời hạn nộp thuế theo pháp luật về thuế, hải quan; Hưởng ưu đãi đặc biệt theo Điều 20, Luật Đầu tư.

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc hình thành Khu liên kết sẽ tạo cơ chế hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với đặc thù của thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo Nghị quyết cho thấy, để đủ căn cứ cho Quốc hội xem xét, quyết định thì Chính phủ cần bổ sung nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, bộ máy quản lý Khu liên kết; quyền hạn, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, cơ chế ưu đãi áp dụng đối với Khu liên kết chưa được quy định cụ thể.

Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư tại Khu liên kết là chưa rõ ràng. Điều kiện để được hưởng ưu đãi, phạm vi ưu đãi chưa được quy định trong dự thảo, dẫn đến việc dẫn chiếu theo Điều 20 của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Quyết định 29/2021/QĐ-TTg) là chưa ăn khớp, khó thực hiện. Việc cho phép mọi dự án đầu tư tại Khu liên kết đều được hưởng ưu đãi về thủ tục hải quan; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất và các ưu đãi đầu tư khác là chưa chặt chẽ, công bằng, dễ dẫn đến lợi dụng pháp luật…

Từ đó, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị, chỉ khi Chính phủ làm rõ và quy định cụ thể, bao quát, hợp lý các nội dung nêu trên thì mới đủ căn cứ để Quốc hội xem xét, quyết định.

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ nội hàm Khu liên kết. Chủ tịch Quốc hội đồng tình với các ưu đãi về hải quan, thủ tục thuế nhưng gợi ý với các doanh nghiệp – nhà đầu tư chiến lược cho Khu liên kết nên có ưu đãi cao hơn để thu hút họ đầu tư vào đây, nhất là đầu tư chế biến nông sản, như tiền thuê đất, thuế suất ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, theo Chủ tịch Quốc hội, cần làm rõ lợi ích của dự án này để Quốc hội có cơ sở so sánh chi phí - lợi ích, tạo sự thuyết phục hơn.

Tán thành sự cần thiết ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 và nhất trí trình dự thảo Nghị quyết để Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường tới đây.

Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra 1 cơ chế đặc thù mới về cho phép Dự án xã hội hóa nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu là đối tượng được áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, để thể chế hóa Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị; góp phần phát triển Thành phố trên cơ sở khai thác lợi thế, khắc phục những khó khăn đặc thù của Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long thì việc cho phép áp dụng ưu đãi đầu tư đối với Dự án này là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong xã hội hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng vận tải thủy nội địa, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giảm chi phí logistic.

Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ và bổ sung các nội dung quan trọng để bảo đảm đủ căn cứ để xem xét, quyết định; đúng về mặt thẩm quyền và tạo cơ sở đầy đủ cho việc thực hiện.

Đọc thêm