Lập lại trật tự theo Nghị quyết 128 để tránh "ăn đong", nay chỉ đạo thế này mai chỉ đạo cái khác

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - TS. Lưu Bình Nhưỡng nêu vấn đề này trong Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng 18/10.

Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, Nghị quyết 128 là chủ trương rất sáng tạo, khi Nghị quyết 128 ra đời xã hội đón nó như "luồng gió mới", nhất là nhấn mạnh về tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất ở các địa phương trong công tác chống dịch theo chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả". Nhưng hiểu được Nghị quyết 128 để thực hiện cho đúng, để lập lại trật tự là cả một vấn đề.

TS. Lưu Bình Nhưỡng: "Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128 thống nhất ban hành các văn bản để quy định ở địa phương mình". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Lưu Bình Nhưỡng: "Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128 thống nhất ban hành các văn bản để quy định ở địa phương mình". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để Nghị quyết 128 không chỉ có hiệu lực trên giấy, ông đưa ta những vấn đề cần khắc phục trong công tác chống dịch sau khi có Nghị quyết này là các chốt liên tỉnh, cách ly tập trung, người dân về quê và tình hình y tế.

"Câu chuyện về chỉ đạo từ Chính phủ xuống địa phương là vấn đề người dân rất bức xúc. Trên mạng xã hội người ta nói rất nhiều là trên bảo dưới không nghe, đặc biệt là người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương, đây là câu chuyện rất khó hiểu" - TS Lưu Bình Nhưỡng nêu vấn đề.

Cùng với đó là chuyện tham nhũng trục lợi, đục nước béo cò, lợi dụng tình hình dịch bệnh để kiếm ăn, để vơ vét. Thủ tướng đã phải chỉ đạo rồi, cương quyết nếu có dấu hiệu thì chúng ta phải lập tức điều tra xem xét xử lý, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Do đó, khi trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện Nghị quyết 128, theo TS Lưu Bình Nhưỡng, chuyển trạng thái chống dịch cần đảm bảo tính thống nhất, tính tuân thủ cao và thông tin phản ánh kịp thời.

Đặc biệt, "Khi chúng ta tạm dừng Chỉ thị 15, 16, 19 và Khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86 thì các địa phương hình dung là không biết có dừng an sinh xã hội không, có dừng các gói hỗ trợ không. Tôi nói là không thể dừng được, đặc biệt thi đua là không thể dừng được. Chỉ thị 19 là về thi đua, giờ mà dừng thi đua thì không đươc", TS lưu ý.

Chốt kiểm soát dịch tại điểm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ (Quốc lộ 1) đã dừng hoạt động. Ảnh: QĐND

Chốt kiểm soát dịch tại điểm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ (Quốc lộ 1) đã dừng hoạt động. Ảnh: QĐND

Thế nên TS Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra 3 điều chống khủng hoảng sau dịch: Đó là chống khủng hoảng y tế, cương quyết không được khủng hoảng y tế nữa, từ câu chuyện vaccine đến thuốc chữa COVID… "Chúng ta cũng phải vận dụng đông tây y, cả nam dược, đông được, đặc biệt củng cố lại y tế cơ sở, y tế dự phòng", chuyên gia này gợi ý.

Đồng thời, không được để khủng hoảng an sinh cho người dân trực tiếp và những người về quê. Không được để khủng hoảng sản xuất kinh doanh. Giao thông vận tải không thông suốt là ảnh hưởng sản xuất kinh doanh.

Từ Nghị quyết đến hành động chúng ta có 3 vấn đề lớn, một là phải hiểu đúng; hai là đánh giá đúng tình hình địa phương; ba là phải đúng quy định nhưng quy định này phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng ăn đong, nay chỉ đạo thế này mai chỉ đạo cái khác. Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128 thống nhất ban hành các văn bản để quy định ở địa phương mình. Trên cơ sở đánh giá tình hình thì chúng ta mới có thể vận dụng đúng được.

TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, "Các địa phương phải tuân thủ sự chỉ đạo từ Trung ương, thống nhất nhưng vận dụng có sự linh hoạt. Từ đó chúng ta mới đưa Nghị quyết vào thực hiện có hiệu quả thời gian tới".

Đọc thêm