“Khai thị” tình nghĩa vợ chồng
Sau hàng loạt những đám cưới của các “sao” như: Diễn viên hài Thúy Nga, Hồng Ánh, Diệu Hương, Hải Yến, ca sĩ Đăng Khôi, Thủy Tiên - Công Vinh, Đinh Hiền Anh, hot girl Tâm Tít, ca nương Kiều Anh..., những năm trở lại đây, giới trẻ ái mộ khi tổ chức đám cưới nơi cửa Phật bằng lễ Hằng Thuận ở chùa để mong hạnh phúc gia đình viên mãn. Tại các chùa ở Hà Nội: Chùa Quán Sứ, chùa Lý Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm), chùa Đình Quán (Từ Liêm), chùa Bằng (Hoàng Mai), chùa Vạn Phúc (Sóc Sơn)… đều tạo điều kiện cho những đôi trẻ đăng ký làm lễ Hằng Thuận. Số lượng giới trẻ đăng ký ngày một đông.
Sau khi quyết định tổ chức lễ Hằng Thuận, đôi trẻ cùng gia đình lên chùa thỉnh xin ý kiến sư thầy trụ trì. Sự chuẩn bị lễ Hằng Thuận ở các chùa cực kỳ đơn giản. Sau khi được nhà chùa chấp thuận và chọn ngày đẹp để tổ chức, gia đình đôi trẻ chỉ cần sắm lễ gồm hoa, trái cây, hương, nến, trà đặt trên Tam Bảo. Nhà chùa không thu bất cứ khoản phí nào. Nếu gia đình muốn đặt cỗ chay thì dao động từ 600 nghìn -1 triệu /đồng/mâm.
Nghi lễ được tiến hành cũng gần giống như lễ cưới thông thường. Chỉ khác một điều, chủ hôn là một vị Hoà thượng hay chư tăng, ni được mời tới dự lễ. Hôn lễ được tổ chức tại điện Tam Bảo, không có âm nhạc, không có tiếng cười đùa, chỉ có tiếng gõ mõ đều đều vang lên trong khói hương trầm mặc. Chư vị hoà thượng sẽ đứng ở phía trên khán đài. Cô dâu, chú rể cùng gia đình, thân hữu mặc lễ phục tiến vào đứng cạnh nhau theo lối chính giữa điện Tam Bảo. Họ chia nhau chỗ ngồi theo đúng ấn định sẵn: Nhà trai ngồi bên trái, nhà gái ngồi bên phải cùng tụng kinh niệm Phật.
Sau khi dâng lễ tại Tam Bảo, đôi trẻ tiến hành lễ quy y trước khi tổ chức lễ Hằng Thuận. Nghi thức lễ Hằng Thuận (còn gọi là Hộ niệm hôn lễ) kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ gồm 15 mục, trong đó đáng kể nhất đối với các lứa đôi là các nghi thức chính: Dâng hương, khai thị, lạy nhau, trao nhẫn và nói lời ước nguyện. Tùy vào nhu cầu tâm linh hay hoàn cảnh kinh tế, thời gian, mức độ tổ chức hoàng tráng hay gọn nhẹ… mà từng đôi tân lang, tân nương có thể tiến hành đủ các mục hoặc có thể giảm bớt các nghi thức này.
Trước hết là nghi thức dâng hương, nghi thức đầu tiên của buổi lễ. Chú rể và cô dâu được dẫn đến trước bàn thờ Tam Bảo đứng chắp tay làm lễ. Khi sư thầy trụ trì (tức vị chủ lễ) nâng hương lên và xuống kệ dâng hương thì cô dâu, chú rể quỳ hai bên để nghe thầy chủ lễ dặn dò về đạo vợ chồng. Những dặn dò quy tắc, khuyên bảo ứng xử này rất gần gũi và cũng được xem là những chuẩn mực của đạo vợ chồng, dâu con; trong đó đôi vợ chồng mới phải yêu thương nhau ra sao, những điều gì chồng không làm được đối với vợ và ngược lại (như không có bạo lực, không ngoại tình, không nghiện ngập, không lười biếng, không lừa dối…), vợ chồng phải sống như thế nào để cuộc sống lứa đôi hạnh phúc đến “đầu bạc răng long”.
Tiếp theo đôi ban trẻ thực hiện nghi thức khai thị. Sau khi sư thầy dặn dò: “Tất cả những hành động và phong độ sinh hoạt của mình trong hàng ngày không chỉ để nhằm mực đích thoả mãn những nhu cầu tinh thần và thể chất cho cá nhân mình, mà còn là để thực hiện ước vọng của dân tộc, của giống nòi và của dòng họ và để chuẩn bị cho thế hệ con cháu kế tiếp” thì chú rể và cô dâu lạy cha mẹ đôi bên.
Sau đó, cô dâu, chú rể đọc 5 lời phát nguyện và họ phải thề nguyền và làm theo. Sau mỗi lời phát nguyện, tiếng chuông chùa ngân nga vang lên, được xem như một sự chứng nhận cho những lời hứa chân thành của đôi tân lang, tân nương. Cuối cùng, đôi tân lang, tân nương tiến hành nghi thức trao nhẫn và nói lời ước nguyện.
Lễ Hằng Thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu, chú rể được đảnh lễ chư Phật, được quy y Tam Bảo, được chư tăng đứng ra chứng minh hôn sự trong bầu không khí linh thiêng nơi chánh điện, được quý thầy tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời đức Phật đã dạy trong kinh Thiện Sanh hay kinh Ca Thi La Việt… chủ yếu xoay quanh đạo nghĩa vợ chồng.
|
5 cặp cô dâu chú rể cùng nhau tổ chức lễ Hằng Thuận tại chùa Bằng (Hà Nội) |
Đức tin - “kim chỉ nam” cho mọi hành động
Đôi tân lang, tân nương Nguyễn Quốc Tiệp và Bùi Thu Huyền làm lễ Hằng Thuận tại chùa Bằng không nén nổi xúc động cho biết: “Giây phút được Trời, Phật chứng giám là những khoảnh khắc không bao giờ quên. Với tôi, đó là một nghi lễ thiêng liêng vô cùng. Tôi ấn tượng nhất là khi trao nhẫn cho nhau trước sự chứng kiến của các sư thầy, đôi tân lang, tân nương nhận được lời giáo huấn ý nghĩa về đạo lý vợ chồng. Chiếc nhẫn chỉ là vật tượng trưng để biết người đó đã kết hôn, nhưng sư thầy không chỉ trao chiếc nhẫn mà còn trao chữ “nhẫn” vào tim mỗi người để biết nhẫn nhịn mà sống bên nhau trọn đời”.
Lễ Hằng Thuận bắt nguồn từ khi Đức Phật còn tại thế. Có một lần Đức Thế Tôn trở về thăm Vương thành Ca Tì La Vệ. Một ngày đặc biệt trong chuyến về lại cố hương của Đức Thế Tôn, gặp dịp cả kinh thành chuẩn bị làm lễ thành hôn cho Vương tử Mahanam, có thỉnh Đức Thế Tôn và Tăng đoàn vào hoàng cung chứng minh cho hôn lễ. Và từ nhân duyên đó, Đức Thế Tôn dạy người làm chồng phải sống như thế nào để họ hàng nhà vợ tôn trọng, chấp nhận. Người chồng phải có trách nhiệm với họ hàng nhà vợ làm sao, trách nhiệm với vợ con trong tương lai như thế nào. Cũng như vậy, phận làm dâu đối với họ hàng nhà chồng và trách nhiệm đối với người chồng và những đứa con mình trong tương lai.
Đức Phật dạy, điều quan trọng nhất là hai người gặp nhau và chọn nhau làm bạn đời, có nghĩa là cả hai sẽ cùng đi bên nhau trọn đời; cùng đối diện với những nghiệp chướng của cuộc đời; cùng chia sẻ với nhau những gian khó trước những khúc quanh của đời người; cùng nâng đỡ nhau tạo thiện nghiệp, khuyên can nhau dứt trừ ác nghiệp và luôn tùy thuận với nhau để cùng tu tập. Mượn nhân duyên vợ chồng để đồng làm pháp lữ tạo thiện nghiệp. Vui cũng thuận, buồn cũng thuận. Thành công cũng thuận, thất bại cũng thuận. Giàu cũng thuận, nghèo kém cũng thuận.
Người khởi xướng ra nghi lễ Hằng Thuận ở Việt Nam là ông Đồ Nam Tử. Ông tên thật là Nguyễn Trọng Thuật, quê ở Hải Dương. Ông vốn là một nhà nho, sau ông chuyển qua đạo Phật và là người cổ vũ phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà. Nghi lễ kết hôn trước sự chứng kiến của đức Phật và đây cũng là một trong những lời kêu gọi cải cách của ông. Đồ Nam Tử cho rằng đạo Phật nên được dấn thân và hoà hợp vào quần chúng. Vào năm 1930, bác sĩ Lê Đình Thám đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm - Huế. Có thể nói, đây là lễ cưới đầu tiên trước cửa Phật được các chư tăng chứng minh. Hưởng ứng theo lời kêu gọi của Đồ Nam Tử, vào năm 1971, Hoà thượng Thiện Hoa đã dùng hai chữ Hằng Thuận để chỉ việc kết hôn trước cửa Phật.
Không phải ngẫu nhiên mà lễ cưới tại chùa gọi là lễ Hằng Thuận. Theo Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì “Hằng” là thường xuyên, luôn luôn, còn “Thuận” là hòa thuận, đồng thuận, hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống. Ý nghĩa sâu xa của lễ Hằng Thuận là: Khi đôi tân lang, tân nương đã thề nguyền sống với nhau có sự chứng kiến của yếu tố tâm linh tức là đã ràng buộc với nhau bằng tôn giáo, ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm.
Trong suốt gần chục năm qua, chỉ riêng Chùa Bằng (Hà Nội) đã tổ chức lễ Hằng Thuận cho hàng trăm đôi uyên ương. Hầu hết, tất cả họ đều đang sống hạnh phúc và vẫn thường xuyên lên chùa lễ Phật cầu an, hoặc mỗi tháng lên chùa ít nhất một lần để ôn lại những lời hứa (lời phát nguyện) với nhau trong hôn lễ, để tự điều chỉnh mình hướng tới cuộc sống tốt đẹp… Họ luôn coi Đức tin là “kim chỉ nam” cho mọi hành động để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Đó là lý do vì sao cửa chùa ngày càng được nhiều đôi trẻ ái mộ, lựa chọn là nơi dẫn dắt họ bước vào cuộc sống lứa đôi để cùng nhau dựng xây nếp nhà.