Lễ hội Nghinh Ông Đông Hải là lễ hội văn hóa tâm linh truyền thống mang tính cộng đồng của ngư dân miền biển, cầu mong một mùa đánh bắt thuận lợi, bình an nơi biển cả; đồng thời tưởng nhớ loài cá voi – vị thần “Đại tướng quân Nam Hải” đã không ít lần giúp dân đi biển vượt qua sóng to, gió lớn, đem lại điềm lành, hạnh phúc cho mọi người. Bên cạnh đó, Lễ hội cũng là dịp để người dân giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng ngư dân và dân cư ở địa phương.
Đoàn tàu tham gia ra biển. |
Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức ngoài việc nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh không chỉ bà con địa phương, đồng thời phục vụ rất đông khách du lịch đến từ các địa phương lân cận như Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang… Các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp với ban trị sự lăng Ông thực hiện tốt công tác tổ chức lễ hội nhằm thu hút đông đảo khách du lịch gần xa.
Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như: Biểu diễn nghệ thuật, hát cải lương, tuồng cổ, tổ chức các trò chơi dân gian, hội thi ẩm thực, hội chợ, múa lân sư rồng, Đại hội Thể dục thể thao, thả tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản (4,2 triệu con)… nhằm ý thức ngư dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt là lễ diễu hành đón Ông từ ngoài biển vào lăng để làm lễ cúng tế, tạ ơn theo phong tục tập quán của ngư dân tại địa phương ngày 10/4.
Nghi thức lễ diễn ra rất trang nghiêm và tôn kính. |
Ngoài các hoạt động văn hóa truyền thống của ngư dân, lễ hội còn là dịp để tỉnh Bạc Liêu quảng bá hình ảnh, giới thiệu các điểm du lịch sinh thái ven biển, phong tục, tập quán của ngư dân Bạc Liêu với ngư dân, du khách phương xa.
Ông Đặng Văn Chứa - Trưởng Ban trị sự Lăng Ông Nam Hải cho biết: “Ban trị sự đã lên kế hoạch khoảng một tháng trước khi tổ chức Lễ hội Nghinh Ông ở tất cả các khâu như: bố trí ghe, thuyền và xe rước Ông, các thành viên tham dự Lễ hội, đội ngũ tình nguyện viên… đảm bảo đúng phong tục, an toàn, tiết kiệm…
Bà Nguyễn Hồng Cẩm – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: “Rút kinh nghiệm từ Lễ hội Nghinh Ông những năm trước, để bảo đảm an ninh trật tự cho du khách và người dân tham gia Lễ hội, Công an huyện Đông Hải cùng lực lượng chức năng địa phương phối hợp với Công an huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) tăng cường trực 24/24, đóng chốt, tổ chức kiểm tra chặt chẽ cửa sông Gành Hào để phân luồng, đảm bảo an ninh; nghiêm cấm các ghe, xuồng nhỏ tham gia theo đoàn cũng như quản lý ghe tàu lưu thông ngược chiều, không để xảy ra tai nạn trên sông, trên biển.
Nghi thức cung nữ thỉnh lộc từ biển. |
Nghi thức xin keo thỉnh Ông vào bờ. |
Ngoài ra, Ban tổ chức còn kiểm soát chặt chẽ số lượng ghe thuyền tham dự Lễ Nghinh Ông. Trên mỗi phương tiện, Ban tổ chức bố trí từ một số cán bộ, chiến sĩ công an, biên phòng… để đảm bảo trật tự, ngăn chặn tình trạng chen lấn, đùa giỡn gây mất an toàn và ứng cứu trong những tình huống bất ngờ.
Theo tương truyền, cá Ông là một linh vật linh thiêng – vị thần hộ mệnh cho thuyền bè đi biển. Khi sóng to gió lớn, nếu chẳng may tàu thuyền gặp nạn thì cá Ông sẽ xuất hiện để hộ tống thuyền bè gặp nạn vào chỗ cạn an toàn. Và ngược lại, khi cá Ông gặp nạn hoặc “lụy”, xác dạt vào bờ đều được ngư dân tổ chức an táng và thờ cúng trang trọng. Năm 2010, ngư dân Thị trấn Gành Hào đã phát hiện và đưa vào bờ một “Ông Nhám” dài 9,7m, nặng khoảng 13 tấn, đã được Viện Hải dương học Nha Trang ướp hóa chất bảo quản, xử lý xác lấy da nhồi bông. Hiện, xác cá Ông được đặt trang trọng tại Lăng Ông Nam Hải để phục vụ ngư dân, du khách hành hương, chiêm bái. Năm 2008, UBND tỉnh quyết định công nhận lễ hội và cho phép huyện tổ chức vào hàng năm.