Lễ hội nhảy lửa - Phong tục độc đáo của người dân tộc Pà Thẻn, Tuyên Quang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang hiện có đến 177 hộ dân, trên 500 nhân khẩu là người dân tộc Pà Thẻn. Những năm qua người Pà Thẻn nơi đây luôn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc mình.
Lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn
Lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn

Đến thôn Thượng Minh, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn các cô gái Pà Thẻn trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ, có những nét rất riêng và giá trị thẩm mỹ cao, được thể hiện bởi sự kết hợp nhiều màu sắc và những nét hoa văn độc đáo với sự trang trí bằng nhiều kiểu dáng khác nhau.

Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục kết hợp với những vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng... tạo nên bộ trang phục hài hòa, có sự tương phản giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.

Những bộ trang phục rực rỡ kết hợp với ánh bạc của đồ trang sức như vòng bạc, cặp ba lá, khăn vấn đầu làm cho khuôn mặt người phụ nữ Pà Thẻn thêm rạng rỡ.

Trang phục truyền thống của người dân tộc Pà ThẻnTrang phục truyền thống của người dân tộc Pà Thẻn

Người Pà Thẻn lưu giữ rất nhiều nghi lễ và lễ hội cổ truyền như: Tết Nguyên đán, nghi lễ vòng đời, nghi lễ liên quan đến nông nghiệp, lễ cầu mưa, lễ cúng cơm mới, lễ cúng thần săn bắn, lễ kéo chày, lễ cấp sắc, đặc biệt là lễ hội nhảy lửa.

Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, được bắt đầu từ tháng 10 âm lịch cho tới tháng Giêng năm sau, có ý nghĩa tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân bản khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật, và mang sức mạnh cho người dân nơi đây.

Lễ hội nhảy lửa được bắt đầu bằng việc thầy cúng của người Pà Thẻn làm lễ cầu khấn thần linh. Lễ vật cúng tế gồm một con lợn, 5 chén rượu… Khi thầy mo gõ vào đàn gỗ, làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa (chỉ dành cho nam giới) sẽ ngồi đối diện với thầy mo và được làm phép "nhập ma".

Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, các chàng trai Pà Thẻn bắt đầu tham gia Lễ hội nhảy lửa. Họ nhảy múa trên đống than hồng rực trong vòng 3 - 4 phút mà không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát giữa sự hò reo, cổ vũ của hàng nghìn người dân nơi đây.

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, ngọn lửa tượng trưng cho sự sống, sự ấm no hạnh phúc và không thể thiếu trong đời sống. Nhảy lửa là lễ hội tiêu biểu của người Pà Thẻn.

Tỉnh Tuyên Quang đang từng bước xây dựng Lễ hội nhảy lửa trở thành “sản phẩm” du lịch đặc thù để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước muốn khám phá văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn trong mỗi dịp Tết đến Xuân về và các ngày lễ hội trong năm của người dân tộc Pà Thẻn.

Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn đã có lịch sử lâu đời và được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Lễ hội không chỉ phản ánh vai trò và địa vị của những người thầy cúng trong xã hội trước kia, mà còn là bằng chứng thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên.

Lễ hội Nhảy lửa còn là một di sản văn hóa mang tính đại diện tộc người, được biết đến như một bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn. Khi nhắc đến Lễ hội Nhảy lửa, người ta nghĩ ngay đến người Pà Thẻn và ngược lại. Đây cũng là lễ hội duy nhất của người Pà Thẻn còn duy trì đến ngày nay.

Với giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2013 “Lễ hội nhảy lửa” của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đây cũng là điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với xã Hồng Quang nói riêng và huyện Lâm Bình nói chung.

Ngày 30-31/10 vừa qua, Sở Tư Pháp Tuyên Quang đã phối hợp với Công An Tỉnh Tuyên Quang, các đơn vị liên quan và nhiều doanh nghiệp, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân nơi đây, hỗ trợ bò giống, tiền xây nhà, học bổng.. và rất nhiều các nhu yếu phẩm, dự án cho bà con nơi đây nhân dịp lễ hội “ tiễn đưa thần sấm, thần sét về trời” của người dân Pà Thẻn.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của huyện Lâm Bình là rất lớn, trong đó việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa và khôi phục các nghề truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn xã là một hướng đi phù hợp. Do vậy, thời gian qua UBND xã đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề, phối hợp mở các lớp tập huấn làm du lịch, như: Nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát và lớp thực hành nghi lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của người dân trong thôn. Bởi đây là cơ hội để người Pà Thẻn khôi phục lại các giá trị văn hóa, các sản phẩm truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Đại tá Đỗ Tiến Thuỳ, Phó Giám đốc công an tỉnh Tuyên Quang tặng công trình cổng làng cho bà con

Đại tá Đỗ Tiến Thuỳ, Phó Giám đốc công an tỉnh Tuyên Quang tặng công trình cổng làng cho bà con

Điển hình là công trình cổng làng văn hoá thôn Thượng Minh, một ngôi nhà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn của Đại Tá Đỗ Tiến Thuỳ, Phó Giám đốc công an tỉnh Tuyên Quang đã tặng cho người dân nơi đây nhân dịp Tết của người dân tộc Pà Thẻn.

Ông Thuỳ cho biết ông luôn trăn trở và đề nghị đại diện Sở Tư pháp, UBND huyện phối hợp, cùng ông trực tiếp tới thôn Thượng Minh sống cùng người dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, nắm bắt những khó khăn vướng mắc, qua đó tìm cách hỗ trợ bà con nơi đây để có những kế hoạch phát triển nâng cao đời sống cho bà con.

Bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại buổi trao quàBà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại buổi trao quà

Cùng với đó, đại diện Sở Tư Pháp Tuyên Quang, bà Nguyễn Thị Thược, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở đã trao tặng đường điện thắp sáng dẫn vào nhà văn hoá thôn Thượng Minh, trao tặng Sách pháp luật cho bà con thôn Thượng Minh.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược là người luôn hết mình lo lắng, hỗ trợ cho bà con nhân dân nơi đây. Có những lần bà đã đến và trực tiếp đi bộ tới từng hộ gia đình, ngõ xóm để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, hỗ trợ phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật giúp bà con nơi đây, làm căn cước công dân.

Bà luôn dành những tình cảm lớn lao, thân tình của mình để góp sức cùng với các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương chung tay giúp đỡ cuộc sống cho bà con. Bà mong rằng cuộc sống của nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc, bản sắc truyền thống của người dân tộc nơi đây nói riêng, cũng như của tỉnh Tuyên Quang nói chung mãi tồn tại và giữ được bản sắc.

Theo ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, để gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, xã rất quan tâm và tạo điều kiện cho bà con duy trì, phát triển các phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là việc phục dựng lại lễ hội nhảy lửa của đồng bào. Đây là một nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn, thể hiện truyền thống và bản sắc riêng của bà con dân tộc nơi đây.

Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư tại thôn Thượng Minh như: Đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số ít người giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang là một trong các thôn được tham gia đề án này.

Qua việc thực hiện Đề án đã bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, nhất là bảo tồn trang phục của người phụ nữ Pà Thẻn thông qua nghề dệt thủ công. Đặc biệt, vừa qua Hội LHPN huyện Lâm Bình đã tổ chức Hội thi Dệt thổ cẩm năm 2019, trong đó Hồng Quang đã lựa chọn các chị em phụ nữ là dân tộc Pà Thẻn tham gia hội thi, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương.

Đọc thêm