Đìu hiu vì chương trình kém hấp dẫn
Lồng Tồng là một trong những lễ hội lớn nhất của dân tộc Tày tại vùng cao Tây Bắc, nổi bật với tín ngưỡng cầu trời đất, cầu mùa, vẩy nước mang may mắn…Cùng với đó, các trò chơi dân gian như đánh yến, đánh quay, ném còn, kéo co, đẩy gậy, thi cày ruộng, chương trình văn nghệ với những điệu hát then, sli lượn ngọt ngào để các chàng trai, cô gái gặp gỡ, giao duyên… tạo nhiều dấu ấn với du lịch vùng cao.
Thế nhưng không phải lễ hội nào cũng có được quy mô và chương trình lễ hội bài bản như vậy. Theo thống kê, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%) và 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%). Tuy nhiên, nhiều lễ hội của vùng cao đều tập trung vào các dịp lễ Tết đầu năm (mỗi năm một lần) khiến cho các thời gian còn lại trong năm khá đìu hiu.
Các lễ hội vùng cao đặc sắc bởi chương trình nghệ thuật của đồng bào dân tộc, trong đó có các nghi thức lễ hội, kịch tái hiện lịch sử, hát giao duyên… Tuy nhiên, nhiều lễ hội qua các mùa chỉ lặp lại cùng một kịch bản, nội dung như những năm trước.
Ở một số lễ hội, nội dung tổ chức còn sơ sài, chưa chú trọng đến việc khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của lễ hội. Bởi vậy, lễ hội vùng cao còn mang tính tẻ nhạt, một màu, kịch bản sơ sài và thiếu tính đổi mới, không làm nổi bật được những nét đặc sắc của lễ hội, truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Trò chơi dân gian là yếu tố thu hút và mang lại trải nghiệm cho khách du lịch ở các lễ hội vùng cao. Tuy nhiên, một số lễ hội hiện nay lại hạn chế thời gian tổ chức các trò chơi dân gian. Nhiều lễ hội chỉ đơn điệu một vài trò chơi quen thuộc như kéo co, nhảy sạp… khiến hoạt động du lịch trở nên nhàm chán. Sự mất cân đối về thời lượng giữa phần lễ và phần hội làm cho lễ hội vùng cao thiếu sự đặc sắc và trải nghiệm đối với khách du lịch, nhiều lễ hội gần như vắng bóng khách quốc tế.
Mặt khác, nhiều lễ hội vùng cao tuy là đặc trưng của các dân tộc nhưng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thực hiện lại thuê từ đoàn diễn trung ương, khiến lễ hội vùng cao thể hiện rõ sự gò ép khiên cưỡng, những áp đặt thô thiển, đề cao chuyên nghiệp hóa, sân khấu hóa, nặng về minh họa… làm cho lễ hội méo mó thêm và càng phai nhạt bản sắc. Những sáng tạo mới cần dựa trên cơ sở nghiên cứu, tôn trọng và áp dụng những nét đặc trưng văn hóa, đặc thù trong phong tục tập quán tại địa phương
Những hạn chế về năng lực tổ chức sự kiện, hoạt động văn hóa, lễ hội của đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhân sự chủ chốt tại các lễ hội, khiến cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật thiếu sự cuốn hút. Một yếu tố khác là cảnh quan thiên nhiên, di tích trong các lễ hội vùng cao không được tôn trọng, không được khai thác khéo léo để tôn thêm vẻ đẹp của lễ hội. Bởi vậy, lễ hội vùng cao hiện nay chưa phát huy hết giá trị bản sắc dân tộc.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tận dụng các lễ hội dân tộc thành hoạt động du lịch hút khách. Chẳng hạn, Carnival ở Rio de Janeiro đem về cho Brazil khoảng hơn 6 triệu đô la doanh thu trong một tháng; Oktoberfest mang về hơn một tỷ Euro cho thành phố Munich (Đức) trong hai tuần lễ hội…
Với sự đa dạng văn hóa của 54 dân tộc anh em, nổi bật là các dân tộc vùng cao, rõ ràng Việt Nam đang để lãng phí một nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quý giá.
Đổi mới chương trình
Hiện nay, Quảng Ninh là một trong những tỉnh sử dụng tài nguyên từ các lễ hội truyền thống vùng cao để phát triển du lịch. Tại cuộc họp báo tháng 12 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Đinh Thị Vỹ cho biết: Lễ hội Trà hoa vàng lần thứ III với chủ đề “Danh trà đất Việt” sẽ được tổ chức trong hai ngày 26 và 27/12 tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn.
|
Nhiều lễ hội vùng cao vắng bóng khách quốc tế. (Ảnh minh họa) |
Nhiều hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội như: Trưng bày các cây trà hoa vàng, trưng bày các gian hàng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) và các sản phẩm đặc hữu của các địa phương với 25 gian hàng. Du khách tham dự lễ hội sẽ có cơ hội được mua sắm các sản phẩm OCOP, được thưởng trà, ngắm hoa, được du ngoạn trên sông Ba Chẽ ngắm các cảnh đẹp trên sông, tham quan miếu Bàn Vương.
Thời gian này, Lễ hội hoa Sở Bình Liêu (là hoạt động văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc vùng cao Bình Liêu) tại thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu cũng được tổ chức.
Hội năm nay sẽ có các hoạt động hấp dẫn như: Trưng bày ảnh về ruộng bậc thang và ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu; liên hoan các tiết mục dân ca tiêu biểu của cộng đồng dân tộc thiểu số trong huyện; thi cụm dong riềng các xã, thị trấn; thi mâm cơm mới tại các thôn, bản xã Đồng Tâm; liên hoan văn nghệ và lửa trại thanh niên; hoạt động dù lượn “Bay giữa rừng Sở”; giải đua xe đạp phong trào hội hoa Sở Bình Liêu năm 2020 mở rộng...
Bên cạnh đó là các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian được tổ chức xuyên suốt thời gian diễn ra hội gồm các trò chơi: Tung còn, đánh quay, đẩy gậy, lày cỏ, bịt mắt bắt vịt, chọi chim họa mi, thi tách hạt sở giữa các thôn, bản…
Có thể thấy, các lễ hội trên được tổ chức cân đối giữa 2 phần lễ - hội, trong đó phần hội hướng nhiều đến sự trải nghiệm dành cho khách du lịch, mang lại dấu ấn về bản sắc của các dân tộc địa phương. Mặt khác, lễ hội vùng cao cũng là nơi để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nổi bật, những đặc sản vùng miền tạo nên sức hút đối với hoạt động du lịch.
Việc đưa lễ hội vùng cao trở thành các lễ hội quy mô rộng, đổi mới nội dung và đưa vào các hoạt động quảng bá mới sẽ góp phần lôi kéo khách du lịch. Chẳng hạn, Quảng Ninh đã thực hiện đổi mới Carnaval Hạ Long từ một sự kiện chỉ kéo dài 1 ngày thành lễ hội kéo dài một tuần với nhiều hoạt động thú vị, dàn nghệ sĩ tên tuổi cùng những màn trình diễn nghệ thuật được đầu tư đã khiến đây thật sự là lễ hội hấp dẫn du khách.
Nâng cao chất lượng nội dung các lễ hội vùng cao góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc trong đó và không đánh mất đi giá trị tài nguyên quý giá này.