Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay có chủ đề: “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển”. Đại dương chiếm 71% diện tích bề mặt trái đất. Từ xa xưa, con người đã biết khai thác biển để sinh sống. Các quốc gia dù có biển hay không đều quan tâm tới biển và hướng ra biển, điều đó thể hiện vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự phát triển của từng quốc gia.
Việt Nam là quốc gia biển, có lịch sử, truyền thống, văn hóa và quá trình dựng nước, giữ nước gắn liền với biển. Chúng ta có bờ biển dài hơn 3.260 km từ Bắc xuống Nam, với hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng khoảng 1 triệu km2, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Biển nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, là không gian sinh tồn của người dân, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước.
Chương trình có nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc |
Trong quá trình khai thác và sử dụng biển, chúng ta đang phải đối mặt với một số vấn đề như ô nhiễm môi trường biển, trong đó có rác thải nhựa đại dương; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn nhiều hạn chế; phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi lễ: Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hằng năm là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành các ngành kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường vùng biển, đảo bền vững. Đồng thời với việc đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi lễ |
Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam còn là dịp để tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà yêu cầu phải chú trọng phát triển ngành kinh tế biển |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà, từ năm 2009 đến nay, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới nhằm tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của biển, đảo; khơi dậy lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển của tổ quốc và phát triển bền vững kinh tế biển. Nhân dịp Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, Bộ Trưởng Bộ TNMT đề nghị các Ban, bộ, ngành và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, các tổ chức quốc tế thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, coi đây tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cộng đồng, doanh nghiệp và người dân; thúc đẩy hơn nữa việc phát triển các cộng đồng văn minh sinh thái biển. Thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo, phát triển các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư; chú trọng phát triển nuôi biển xa bờ tại các đảo tiền tiêu; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Các địa phương có biển cần phát triển các khu bảo tồn biển tại các đảo tiền tiêu, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học biển và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển; khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, phục hồi các hệ sinh thái biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, nhất là rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý trên đất liền, khu vực ven biển và các đảo; tăng cường sức chống chịu và khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác, quan hệ đối tác với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển, đan xen lợi ích để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam; tham gia tích cực và chủ động vào các cơ chế hợp tác quốc tế liên quan đến biển và đại dương.
Còn theo ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cùng với 27 tỉnh, thành ven biển khác trong cả nước, Phú Yên có bờ biển dài 189km với nhiều dãy núi theo hướng đông- tây, tạo ra nhiều đầm, vịnh, bãi biển đẹp, dòng nước trong xanh, bờ cát trắng, nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo rất độc đáo như: Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Gành Đá Đĩa, Vịnh Xuân Đài, Hòn Yến, Hải đăng Mũi Điện; cùng gắn với đó là bề dày lịch sử văn hoá, truyền thống cách mạng như: Di tích lịch sử tàu không số Vũng Rô; các lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc của ngư dân vùng biển; tất cả tạo nên nét văn hóa riêng và thế mạnh cho phát triển du lịch, nhất là du lịch biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chung tay thực hiện, hành động thiết thực vì môi trường. |
Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển”; tỉnh Phú Yên cũng như các địa phương ven biển đã và đang từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế biển, hướng đến phát triển kinh tế biển xanh bền vững. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức và tầm quan trọng về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển, đảo và đại dương nói riêng cho mọi tầng lớp nhân dân. Biến nhận thức về bảo vệ môi trường và tấm lòng yêu biển, đảo thành ý thức tự giác và hành động cụ thể như làm vệ sinh, bảo vệ môi trường, trồng nhiều cây xanh hoặc đơn giản là không vứt thải rác nhựa xuống biển...
Tại sự kiện quan trọng này, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chung tay thực hiện, hành động thiết thực vì môi trường, bằng những việc cụ thể vì biển đảo quê hương. Mong rằng các hoạt động trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 tại Phú Yên sẽ lan tỏa mạnh mẽ tinh thần bảo vệ biển đảo, đại dương và lan toả thông điệp “Hãy hành động bảo vệ sự sống an toàn của con người từ khắp các đại dương trên thế giới”, để mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng sâu rộng, mạnh mẽ, cùng nhau bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển.
Đại biểu tham dự |
Trước đó vào sáng ngày 11/6, Đoàn Giám sát Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy Phú Yên về việc thực hiện Nghị quyết số 36 về chiến lược phát triển kinh tế biển. Tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận Phú Yên là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển. Ông bày tỏ vui mừng với những kết quả tích cực mà Phú Yên đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 36- NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, qua gần 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực đặc biệt là vùng ven biển và các ngành kinh tế biển, kinh tế gắn liền với biển. Phú Yên đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Tập trung rà soát, thống nhất, tích hợp toàn bộ quy hoạch ngành vào quy hoạch tỉnh, trong đó chú ý về quy hoạch các địa phương ven biển, định hướng liên kết phát triển kinh tế liên vùng, liên tỉnh. Từng bước củng cố và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển quan trọng đột phá như: ngành thủy sản, du lịch, vận tải biển, năng lượng,… đặc biệt là Khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên.
Sau khi đi khảo sát và chứng kiến các hoạt động tại Cảng Vũng Rô; công tác chuẩn đầu tư xây dựng Cảng Bãi Gốc; hoạt động của Khu Công nghiệp Hòa Hiệp; hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng… cho thấy, Phú Yên đã rất nỗ lực, tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và đang đi đúng hướng”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Chiều ngày 11/6, tại Công viên văn hóa đá thuộc khu vực Quảng trường Tháp Nghinh Phong, đường Độc Lập (TP Tuy Hòa), UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ trồng cây hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Phú Yên.