(PLVN) - Theo đó, trong những ngày vừa qua, khu vực miền núi phía Bắc đã có mưa lớn phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm, gây sạt lở đất, ngập lụt tại các khu vực trũng thấp ven sông, thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, nhà ở, sản xuất của người dân.
Mưa lũ lớn tại xã Cấm Sơn, Tân Sơn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
Mới đây, văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 250/VPTT gửi các tỉnh miền núi phía Bắc về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Cũng theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ đêm 9 đến sáng 10/5, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có mưa lớn diễn ra trên diện rộng gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
Lượng mưa đo được tại một số địa phương: huyện Bắc Sơn 216 mm, Bình Gia 180 mm, Thất Khê,( Tràng Định), 58m; thành phố Lạng Sơn 116 mm, Mẫu Sơn, Lộc Bình, 67 mm...
Hậu quả tại huyện Bắc Sơn đã có một người chết do nhà bị sạt lở; toàn tỉnh có 220 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất ngập nước, trong đó có 8 ngôi nhà bị đổ sập, 212 ngôi nhà bị ngập nước từ 10 cm đến 50 cm. Về hoa màu có 1.507 ha lúa ngô bị ngập úng cục bộ, có 6 con gia súc bị cuốn trôi, 11 cột điện bị gãy đổ.
Đối với hệ thống hạ tầng giao thông ghi nhận gần 20 tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện bị ngập cục bộ sạt lở, có 11 cầu dân sinh bị ngập trong đó có 5 điểm cầu dân sinh bị chia cắt cô lập tại các huyện Văn Lãng, Tràng Định, Chi Lăng, Bắc Sơn. UBND huyện Chi Lăng đã di dời 27 hộ gia đình ra khỏi vị trí nguy hiểm gồm: xã Nhân Lý 5 hộ, xã Chiến Thắng 22 hộ.
Được biết tại Bắc Giang, do mưa lớn kéo dài liên tục từ đêm 9/5, kết hợp với lũ lớn từ Lạng Sơn đổ về khiến nhiều ngôi nhà ở huyện Lục Ngạn bị nhấn chìm trong biển nước.
UBND huyện Lục Ngạn chỉ đạo các lực lượng chức năng di chuyển những hộ gia đình có nguy cơ ngập lụt cao, lên vùng trú ẩn an toàn, tránh thiệt hại về người và tài sản
Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 10-11/5, Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn từ 30-60mm/24h, có nơi trên 100mm/24h; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện việc dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.