Vị Sơ Tổ của Trúc Lâm Yên Tử - Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Yên Tử quanh năm mây phủ, những huyền tích lịch sử - tâm linh càng làm dày thêm sự linh thiêng cho nơi đây. Trên hành trình hành hương về “nơi cách trời 3 thước”, mỗi con đường, nhành cây ngọn cỏ Yên Tử đều ghi dấu bước chân tu hành của những vị thiền sư nổi tiếng. Cả một không gian bao trùm một sự huyền diệu của tôn giáo – thiên nhiên – con người hòa vào làm một. Hàng năm, hàng vạn người đổ về Yên Tử lễ Phật, nhưng chắc hẳn không phải ai cũng “tỏ tường” Tam tổ Trúc Lâm là những ai?
Tổ đệ nhất của Thiền phái Trúc Lâm chính là Vua Trần Nhân Tông, tên thật là Trần Khâm, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Thiệu Long thứ 1 (tức năm 1258), là con trai trưởng của Vua Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng Thái hậu Trần Thị Thiều. Xuất gia lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, khi viên tịch thì con trai Trần Anh Tông - Hoàng Đế húy Thuyên truy tôn thụy hiệu là Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Tịnh Tuệ Thiền Sư Tổ Phật.
|
Tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông |
Sau 5 năm ở ngôi Thái Thượng Hoàng, Vua Trần Nhân Tông quyết định giao toàn quyền triều chính cho con trai là Trần Anh Tông để xuất gia tu hành. Ông đã chọn Yên Tử làm nơi tu hành 12 hạnh đầu đà. Cũng tại đây, Trần Nhân Tông đã dày công hợp nhất các hệ thống giáo lý và tư tưởng của các Thiền phái xuất hiện trước đây, sáng lập lên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử quy củ, thống nhất, riêng biệt của nước ta. Sau nhiều năm tu hành, thuyết pháp, giờ tý ngày mồng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), Ngài đã “an nhiên viên tịch” tại Am Ngọa Vân, kết thúc trọn vẹn quá trình hóa Phật.
Trên hành trình về với Yên Tử, mỗi địa điểm đều mang dấu ấn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Từ Hoa Yên đến Vân Tiêu, Một mái, Tháp Huệ Quang đều là nơi Ngài tu hành, thiền định, đọc sách, dịch kinh. Mỗi bước chân chúng ta hành hương tưởng như tích cũ: Khi con trai Ngài là Vua Trần Anh Tông đến vấn an cha đều đi bộ từ chân núi.
Đệ Nhị Tổ - Pháp Loa Tôn giả
Nối tiếp Sơ tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là Đức Tổ sư Đệ nhị Pháp Loa. Ông sinh ngày 7 tháng 5 niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4, tức năm 1284, quê ở làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Vốn tên thật là Đồng Kiên Cương, sau này đi tu mới đổi pháp hiệu là Pháp Loa. Cha của ông là Đồng Thuận Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu, sự ra đời của Pháp Loa mang đẫm màu huyền hoặc. Tương truyền, bà Vũ Từ Cứu có lần nằm mộng thấy một vị thần đến trao cho thanh kiếm, bà vui vẻ nhận rồi sau đó thì mang thai. Khi sinh ra Pháp Loa, xung quanh có mùi thơm kì lạ tỏa ra khắp nhà, như thể sinh ra một đấng đại chí, một người cốt cách hơn người.
Năm Hưng Long thứ 12, tức năm 1304, Hoàng Giác Điếu Ngự Trần Nhân Tông, cùng với đoàn sứ giả du hành khắp nơi trong cả nước để hoằng pháp, bố thí và khuyên dân phá bỏ những miếu thờ thần không chân chính, hướng tâm vào các việc phúc thiện. Khi đoàn sứ giả của Trần Nhân Tông tới huyện Nam Sách quê của Pháp Loa, ông đã tìm đến yết kiến Hoàng Giác Trần Nhân Tông và cầu xin được đi xuất gia.
Ngày mồng 1 Tết năm 1307, Pháp Loa chính thức được Hoàng Giác cử giữ chức trụ trì chùa Báo Ân và được suy tôn là Tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Pháp Loa nhận trách nhiệm giảng các bộ kinh lớn như Kim Cương, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác, Pháp Hoa và Niết Bàn, các bộ ngữ lục như: Đại Tuệ Ngữ Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục… Ngoài ra, ông còn tới thuyết pháp cho tín đồ tại các chùa Quỳnh Lâm, Dưỡng Phúc, Xí Thịnh Quang, An Lạc Tàng Viện và Kiến Xương phủ.
Trong số các đệ tử kể trên, đắc pháp khoảng 3.000 người. Số tự viện cũng được xây dựng rất nhiều, gồm 800 sở, dựng hai đài giảng kinh, xây 5 cây bảo tháp, đúc 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng. Trong thời gian này, Pháp Loa cũng là người tổ chức in bộ Đại Tạng Kinh đời nhà Trần nổi tiếng còn được lưu truyền đến ngày nay. Phật giáo phát triển thịnh vượng cũng một phần nhờ hạnh nguyện của Nhị Tổ sư Pháp Loa.
Đệ Tam Tổ - Huyền Quang Tam Giáo Trạng nguyên tôn giả
Vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm là Tam tổ Huyền Quang.Thiền sư sinh năm 1254, viên tịch năm 1334, vốn tên thật Lý Đạo Tái, người Gia Bình, Bắc Ninh. Cha ông là Tuệ Tổ, mẹ là bà Lê Thị. Sự ra đời của ông cũng mang đầy màu sắc huyền thoại. “Tam tổ thực lục” có chép, bà Lê Thị hay đến chùa cầu tự vì tuổi 30 vẫn muộn con. Giáp Dần 1254, Huệ Nghĩa (trụ trì chùa Ngọc Hoàng) mộng thấy điềm lạ: Đức Phật chỉ Tôn giả A – Nan – Đà giáng duyên xuống trần. Đúng năm ấy, bà Lê thị có thai sinh ra một người con trai, đặt tên là Lý Đạo Tái. Vì vậy, nhiều người cho rằng, Huyền Quang chính là tôn giả A – Nan – Đà đầu thai mà thành.
Năm ông 20 tuổi, Lý Đạo Tái đỗ thi Hương rồi năm sau đỗ thi Hội.Tới năm Bảo Phù trong khoa thi Giáp Tuất 1274, Lý Đạo Tái đã đỗ Trạng nguyên ở tuổi 28. Trên dưới 30 năm trong triều, ông tận tụy nơi viện Nội Hàn. Ông nổi tiếng tài trí, đối đáp ứng xử hơn người, nhiều lần cử đi sứ Phương Bắc.
Duyên Phật đạo đưa ông đến đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh. Khi nghe những lời giảng của Pháp Loa, bỗng nhiên, vị đại quan triều Trần bỗng thấy “chạnh lòng”, bèn thốt lên rằng: “…Phú quý vinh hoa thích thú, đáng lo như lá vàng mùa thu, mây trắng ngày hè, sao ta có thể lưu luyến lâu dài được ?…”. Sau đó, ông xuất gia đi tu học Đạo.
|
Tam tổ Trúc Lâm |
Năm 1330, Pháp Loa viên tịch, Huyền Quang được truyền làm tổ thứ ba cua dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Bốn năm sau đó, vào năm 1334, vị thiền sư lừng danh của Việt Nam qua đời ở tuổi 81. Kết thúc hành trình tu hành, đưa Thiền tông Trúc Lâm phát triển và lan rộng trong nhân gian, thu hút hàng nghìn tín đồ cầu đạo, tu học.
Chùa Hoa Yên – Yên Tử ngày nay vẫn còn in đậm tại không gian hư ảo của chùa, nơi gắn với câu chuyện oan trái giữa Thiền sư Huyền Quang và cung phi Điểm Bích. Hoa Yên quanh năm ẩn hiện trong mây trời cõi thiền Yên Tử, cùng câu chuyện đậm tôn giáo dân gian lại càng khiến nơi đây như hư không, ảo mộng. Như câu: “Sắc sắc không không, sắc tức thị không”.
Yên Tử, mảnh đất của huyền thoại, của lịch sử, vừa thực vừa ảo. Từ xưa, nơi đây được coi như cõi tiên, cõi Phật. Hơn 2000 năm trước, Yên Kỳ Sinh về đây tu tiên mà thành An Kỳ Sinh. Gần 1000 năm, nơi đây lại là chốn tu hành và thành đạo của các bậc Thiền sư huyền thoại: Tiêu Diêu, Huệ Duệ, Tam tổ Trúc Lâm… Con đường từ chân núi lên đỉnh chùa Đồng như biểu trưng cho con đường tu tâm của mỗi người. Trải qua nhiều bậc đá trùng điệp giống việc chúng ta vượt qua những khổ ải của cuộc sống, lên đến cổng Trời là để tìm về cõi thiêng của Phật, tìm về với chánh tâm của mình. Giữa chốn huyền không, nơi chỉ có mây tựa hư không, mỗi người đến với Yên Tử với những tâm niệm khác nhau, nhưng tựu trung là tìm về cõi Phật, cõi lành, cầu bình yên và hạnh phúc. Vì vậy, dân gian có câu ca:
“Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”