Lo ngại về chữa cháy nhà cao tầng tại TP HCM

(PLVN) - UBND TP HCM đánh giá, ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại một số cơ sở và người dân chưa cao. Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ sở trong công tác PCCC chưa đầy đủ, còn mang tính chất đối phó…
Hiện trường vụ cháy tầng thượng của nhà hàng Hàng Dương quán số 32-34 Ngô Đức Kế, quận 1, TP HCM trưa 9/3
Hiện trường vụ cháy tầng thượng của nhà hàng Hàng Dương quán số 32-34 Ngô Đức Kế, quận 1, TP HCM trưa 9/3

Phòng cháy, chữa cháy chưa hiệu quả

Liên tiếp những ngày gần đây, tại TP HCM đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn làm người dân hoang mang. Hiện nay, tại TP HCM đang vào đợt nắng nóng. Nguy cơ cháy nổ rình rập. Việc PCCC đang được các cơ quan chuyên môn đặt ở tình trạng báo động cao. Chúng tôi đã tìm hiểu công tác PCCC tại TP HCM và nhận thấy còn nhiều vấn đề cần phải siết chặt hơn nữa để đảm bảo an toàn cháy nổ ở khu vực. 

UBND TP HCM đánh giá, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC tại một số cơ sở và người dân chưa cao. Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ sở trong công tác PCCC chưa đầy đủ, còn mang tính chất đối phó nên việc chỉ đạo thực hiện công tác PCCC tại cơ sở chưa sâu sát và thường xuyên. Việc trang bị và thực hiện chế độ bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC tại chỗ không tốt; chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ các quy định về PCCC, vi phạm các quy định về PCCC. Nhiều trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, chậm trễ khắc phục, kiến nghị...

Hiện nay trên địa bàn TP có 10.300 trụ nước chữa cháy nhưng đã có đến 1.012 trụ bị hư hỏng và hạn chế khả năng lấy nước (495 trụ bị hư hỏng không sử dụng được; 517 trụ hạn chế khả năng lấy nước như: mất nắp, nghiêng, bị lún, thấp..., gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực tập phương án và phục vụ chữa cháy).

TP có 802 bến, điểm có thể sử dụng để lấy nước chữa cháy. Trong đó bến lấy nước phụ thuộc vào thủy triều là 711 bến và không phụ thuộc là 91 bến là ao, hồ tự nhiên và tự tạo; có 1.873 bến đảm bảo lượng nước dự trữ tối thiếu theo tiêu chuẩn.

TP hiện có 17 đội PCCC chuyên ngành với 550 đội viên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Về phương tiện, đã trang bị thêm 33 xe các loại (2 xe thang, 29 xe nước và 2 xe chuyên dụng chữa cháy tàu bay), 27 máy bơm chữa cháy các loại…

Tuy nhiên TP cho rằng, qua thực tế quá trình tổ chức cứu chữa các vụ cháy tại một số cơ sở, bên cạnh các mặt được, vẫn còn một số hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Hiện lực lượng Cảnh sát PCCC có 264 xe các loại… nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu đảm bảo phương tiện thường trực sẵn sàng chiến đấu.

Phương tiện chữa cháy cao tầng không đáp ứng kịp với nhu cầu thực tiễn của thành phố. Các xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra hư hỏng kinh phí sửa chữa rất cao, các phụ tùng thay thế nhập từ chính hãng nên phải mất thời gian từ 1-3 tháng. Điều này gây khó trong việc đảm bảo cơ số xe thường trực sẵn sàng chiến đấu.

Khắc phục nhiều khiếm khuyết

TP cũng nhìn nhận, lực lượng PCCC tại chỗ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ còn mỏng. Một số đơn vị, cơ sở chưa làm tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong tổ chức tuần tra, canh gác phát hiện cháy.  Bên cạnh đó, UBND các cấp có lúc, có nơi chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, chưa có sự chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác PCCC. 

Một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) chủ yếu chú trọng nhiều đến lợi nhuận và lợi ích kinh tế, chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC nên số vụ vi phạm an toàn PCCC còn rất lớn... 

TP HCM là địa bàn có dân số đông (trên 10 triệu dân), ở khu vực nội thành mật độ dân số cao. Trong khu vực đô thị cũ, bên cạnh những công trình dân sinh hiện đại vẫn còn tồn tại đan xen nhiều khu dân cư với những căn hộ làm bằng những vật liệu tạm bợ, dễ cháy. Ở các khu đô thị mới hình thành ở vùng ven như: quận 7, quận 8, quận 9, quận 12, quận Bình Tân... tồn tại các khu dân cư tạm và nhiều cơ sở sản xuất, kho tàng có nguy cơ cháy, nổ cao xen cài trong khu dân cư...

Trước những thực trạng này, TP HCM kiến nghị T.Ư quan tâm, bố trí nguồn vốn cho việc trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của TP. Đồng thời kiến nghị Chính phủ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về PCCC đối với chủ đầu tư, ban quản lý các chung cư, nhà cao tầng… không tổ chức triển khai thực hiện các điều kiện an toàn PCCC. 

Cuối cùng, TP lưu ý, bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan chức năng phải tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng có ý thức PCCC và tham gia phong trào toàn dân PCCC. Các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường xử lý vi phạm quy định an toàn PCCC để đưa công tác PCCC đi vào nền nếp, theo đúng kỉ cương và quy định của pháp luật…

Theo UBND TP HCM, từ nhiều năm nay, trên địa bàn TP xảy ra 6.245 sự cố cháy. Lực lượng PCCC đã trực tiếp tổ chức chữa cháy 1.594 vụ, tỉ lệ 25,55%. Hỏa hoạn làm chết 85 người, bị thương 238 người, thiệt hại về tài sản khoảng 835 tỉ đồng. Số người được cứu trong đám cháy là 392 người. Ngoài ra, TP còn xảy ra 13 vụ nổ làm chết 10 người, bị thương 19 người, thiệt hại về tài sản 160 triệu đồng.

Đọc thêm