Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh, gia đình họ có đất san lấp cải tạo khi xin được phân lô, tách thửa theo Quyết định số 60 nói trên thì được coi là đất ở hiện hữu cải tạo, đất hỗn hợp, đất khu dân cư xây dựng mới… và các cơ quan chức năng không tiếp nhận hồ sơ. Điều này khiến người dân không thể thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình, mặc dù thửa đất của họ đã được chuyển thành đất ở và đã nộp tiền sử dụng đất đầy đủ cho Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ sở pháp lý của Quyết định 60 để tách thửa không chỉ dựa vào quyết định của UBND TP HCM mà còn có nhiều văn bản hướng dẫn đi kèm. Do vậy các Sở, ngành phải ban hành văn bản hướng dẫn khiến quy định quá chặt chẽ, đặt ra nhiều giấy phép con trong thủ tục tách thửa, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế.
Trong buổi tọa đàm “Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới” do Báo Thanh niên tổ chức ngày 13/10, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) - cho rằng, Quyết định 60 đã góp phần chặn đứng nạn “đầu nậu núp bóng chủ đất” để phân lô bán nền trái phép.
Tuy nhiên, do có một số quy định chưa thật chuẩn xác, chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, như quy định không cho tách thửa “đất ở xây dựng mới”, “đất sử dụng hỗn hợp”, đã làm “ách tắc” hoạt động tách thửa đất trên địa bàn thành phố, nhất là tại các quận ven và huyện ngoại thành, trong hơn hai năm qua, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng và nhu cầu tách thửa “thật” của các cá nhân, hộ gia đình.
Chủ tịch HoREA cho biết, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 31/10/2019, toàn thành phố có 5.711 hồ sơ xin tách thửa và đã giải quyết. Nhưng trên thực tế, theo báo cáo mới đây của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, toàn thành phố có hơn 14.000 ha đất nằm trong quy hoạch “đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới”. Với quy mô diện tích 2 loại đất nêu trên, thì có thể có hàng ngàn cá nhân, hộ gia đình đã không thể thực hiện được thủ tục tách thửa đất theo nhu cầu trong thời gian qua.
Được biết, ngay sau khi Quyết định 60 có hiệu lực đã có những vướng mắc trong khi áp dụng được báo cáo. TP HCM sau đó cũng đã có nhiều chỉ đạo gỡ vướng, đặc biệt là thời gian gần đây lãnh đạo TP HCM khẳng định, chính quyền Thành phố giữ quan điểm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có nhu cầu được tách thửa. Đồng thời có những chỉ đạo cụ thể các cơ quan chức năng liên quan, thậm chí chỉ đạo các sở hướng dẫn cụ thể, giao quyền cho các quận, huyện giải quyết, thấy đúng thì chủ động giải quyết và chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố. Tuy nhiên sau gần 3 năm, những vướng mắc được chỉ rõ ngay khi Quyết định 60 có hiệu lực đến giờ gần như chưa được tháo gỡ.
Luật sư Nguyễn Văn Tâm, Trưởng văn phòng Luật sư Tâm Pháp Quyền, chia sẻ: Về mặt pháp lý, văn bản do cấp thành phố ban hành phải dựa vào các văn bản cao hơn, đã ban hành trước đó là Luật Đất đai và Nghị định của Chính phủ, nhưng quy định 60 ban hành quy định cho nhiều loại đất không được nêu trong Luật Đất đai, Nghị định 01.
UBND cấp tỉnh được quyền quy định hạn mức, diện tích tối thiểu khi tiến hành tách thửa nhưng Quyết định 60 của TP HCM không chỉ quy định hạn mức tối thiểu mà còn cho luôn các quyền được tách loại đất này, loại đất khác. Nghĩa là, văn bản này đã có sự vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chưa kể, Quyết định 60 phân ra rất nhiều loại đất dựa theo các đồ án quy hoạch đã được lập từ rất lâu nên không còn phù hợp với các quy định pháp luật mới ban hành sau này.