“Đất vàng” bỏ ngỏ…
Văn học kỳ ảo là những câu chuyện hoàn toàn không có thật với nội dung gợi ra một thế giới tưởng tượng vô cùng phong phú. Trên thế giới, thể loại văn học Fantasy (hay còn gọi là văn học kỳ ảo, văn học thần diệu, văn học huyễn tưởng...) đã có lịch sử hàng trăm năm, có vị thế nhất định trong dòng chảy chung của văn học, với nhiều tiểu thuyết lớn nổi tiếng thế giới như: Phù thủy xứ Oz, Alice ở xứ sở diệu kỳ, Peter Pan, Harry Potter, Biên niên sử Narnia, Chúa tể những chiếc nhẫn...
Còn ở Việt Nam, trong khoảng chục năm nay, văn học kỳ ảo mặc dù đã có sự xuất hiện của một số tác giả, có lượng độc giả nhất định nhưng vẫn chưa thể thành một “dòng” được.
|
Một số tác phẩm Văn học Fantasy dành cho thiếu nhi đã được NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi |
Rất ít nhà văn Việt Nam quan tâm đến mảnh đất màu mỡ này. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ rằng, ông bắt tay vào viết cuốn văn học kỳ ảo “Chuyện xứ LangBiang” (lần đầu xuất bản vào năm 2004) cũng là bởi ông bị sự hấp dẫn của “Harry Potter” dẫn dụ và ông có mong muốn viết nên bộ truyện mang màu sắc văn học kỳ ảo của Việt Nam, dành cho độc giả Việt Nam. Và Nguyễn Nhật Ánh đã thành công khi "Chuyện xứ LangBiang" (4 tập) đã cuốn hút được rất nhiều bạn đọc trẻ và tác phẩm đã được tái bản nhiều lần. Ngoài ra, nổi tiếng về thể loại văn học kỳ ảo còn có nhà văn Phan Hồn Nhiên với bộ ba tác phẩm “Những đôi mắt lạnh”, “Chuỗi hạt”, “Xuyên thấm” …
|
Tiểu thuyết Bãi săn của nhà văn Nguyễn Đình Tú đánh dấu sự chuyển hướng sang mảng văn học Fantasy |
Gần đây nhất là tiểu thuyết “Bãi săn” của nhà văn Nguyễn Đình Tú mới ra mắt đã khuấy động dòng văn học này. Để hoàn thành “Bãi săn”, tác giả đã phải mất nhiều năm tìm hiểu lịch sử, tìm đọc truyện cổ tích, truyền thuyết, dã sử và xây dựng cốt truyện
Không chỉ là một thế giới khác đan xen với cuộc sống hiện tại, có người rồng, người thú, phường săn và những sinh vật kỳ bí, cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa nhân tính và thú tính, giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và tà đạo diễn ra đầy ly kỳ; tác giả còn sử dụng nhiều chất liệu dân gian và lịch sử Việt Nam, ví dụ như hình ảnh người rồng lấy cảm hứng từ truyền thuyết “con rồng cháu tiên”; các địa danh, tên riêng như Tô Lịch, Không Lộ, đền Thánh Mẫu khá gần gũi… và nhiều sự kiện lịch sử thời Lý, Trần.
Theo nhà phê bình văn học Đoàn Minh Tâm, chúng ta nên khuyến khích nhiều người sáng tác những tác phẩm văn học lành mạnh và thuần Việt như “Bãi săn” - một bản hòa âm giữa lịch sử, dã sử, huyền sử, văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện đại. Sự kết hợp giữa lịch sử, văn hóa, văn học, tôn giáo và văn học dân gian trong bối cảnh thế giới hiện đại - giả tưởng đã tạo nên sức hút của "Bãi săn" và có vẻ như đã trở thành lối đi mới cho nhà văn Nguyễn Đình Tú, góp phần quan trọng vào việc tạo nên diện mạo cho dòng văn học kỳ ảo thuần Việt vốn được xem là mảnh đất vẫn còn bỏ ngỏ.
Đâu là lối ra?
Quả thực, không dễ để tạo nên một tác phẩm văn học kỳ ảo thành công.Thể loại huyền bí, kỳ ảo, viễn tưởng yêu cầu phải có hai thế giới trở lên, trong đó yếu tố kỳ ảo, siêu nhiên là khúc xạ của thế giới thực. Nghĩa là câu chuyện diễn ra ở thế giới thực và ảo song song tồn tại, nhân vật di chuyển theo một lối đi nào đó có thể thông nhau giữa hai thế giới.
Yếu tố cốt lõi của văn học kỳ ảo là trí tưởng tượng - thường được ca ngợi là vô tận nhưng lại chính là giới hạn của bản thân người viết, không chỉ bởi tài năng có hạn mà còn bị ràng buộc vì định kiến lâu đời và các mô-típ sẵn có trong nhận thức của mỗi người.
Trước Nguyễn Đình Tú, có khá nhiều cây bút thử nghiệm với dòng văn học fantasy, như Hà Thủy Nguyên với “Thiên Mã”, Thùy Dương với “Kim cương”, Tô Đức Quỳnh với “Huyền thoại lục địa MU”, Phạm Bá Diệp với “Urem - Người đang mơ”, Minh Moon với “Hạt hòa bình”, Nhật Phi và “Người ngủ thuê”, Hàn Băng Vũ với “Những hốc nhà bí hiểm”, và Nguyễn Thị Kim Ngân với “Nhóc tì nhà rối rắm”…
Các tác phẩm của họ đều tạo sự chú ý nhất định khi mới ra mắt, nhưng đến nay, ít người đi đường dài với dòng văn học này. Chưa kể, nhiều tác giả chỉ xuất hiện một lần qua các cuộc thi văn học do các nhà xuất bản tổ chức, với một hai tác phẩm chưa hẳn tiêu biểu, nên rất khó khăn cho độc giả có thể nhớ tới tên tuổi hay tác phẩm của họ.
Một số nhà phê bình văn học cho rằng, các tác giả trẻ khi theo đuổi văn học kỳ ảo của Việt Nam dường như đều bị ảnh hưởng khá sâu đậm bởi các tác phẩm văn học kỳ ảo của nước ngoài chứ chưa tìm được nét riêng, vẫn thiếu bản sắc dân tộc, thường thiên về câu chuyện trong bối cảnh quốc tế.
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, dòng văn học kỳ ảo đang góp phần làm cho bức tranh văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI thêm đa dạng, hợp với xu thế toàn cầu hóa, nhưng chưa đặc sắc. Yêu cầu của tác phẩm văn học kỳ ảo là tác giả phải xây dựng được cốt truyện tốt, có sức tưởng tượng phong phú, vượt qua độc giả và giải quyết tình huống thuyết phục. Song thực tế, ít người làm đậm và sắc không khí kỳ ảo, huyền huyễn trong tác phẩm.
Quả thực, văn học kỳ ảo là thể loại rất gần với điện ảnh nên khá dễ để chuyển thể thành kịch bản phim hấp dẫn.Trên thế giới, nhiều hãng sản xuất lớn đã kiếm hàng tỷ đô nhờ công nghệ quản lý tác phẩm văn học kỳ ảo từ lúc còn là truyện chữ cho đến khi trở thành tác phẩm điện ảnh ăn khách như DC Comic (Mỹ), Marvels (Mỹ), Walt Disney (Mỹ), Clamp (Nhật)…
Văn học kỳ ảo luôn là dòng văn học thu hút nhiều độc giả, bởi những câu chuyện siêu nhiên, mới lạ, kỳ bí. Thế nhưng, thực tế cho thấy, thể loại này trong dòng chảy văn học Việt Nam dường như vẫn trong trạng thái “ngủ”, chưa được đánh giá và khai thác đúng tiềm năng, quan trọng nhất là vẫn chưa có những cây bút nổi bật, “trường hơi” với thể loại này.